Thứ 4, 24/04/2024 13:29:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:40, 29/05/2018 GMT+7

Vì nông thôn mới!

Thứ 3, 29/05/2018 | 06:40:00 1,499 lượt xem
BP - Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang chung sức, chung lòng thi đua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, qua đó tạo chuyển biến rõ nét về mọi mặt. Đổi thay dễ nhận thấy chính là diện mạo nông thôn thông qua những con đường bê tông trải dài các ấp, sóc ở huyện Hớn Quản.

TÂM HUYẾT VỚI NÔNG THÔN MỚI

Nhiều năm trước, người dân ấp Văn Hiên 1, xã Phước An không có đường đi, phải băng qua lô cao su của Nông trường cao su Xa Trạch. Một lần hộ trong ấp có đám tang, gia đình phải khiêng hòm qua lô cao su dốc dựng đứng, nơi mà người bình thường đi đã khó. Trăn trở trước tình cảnh đó, ông Nguyễn Trung Tuấn, cán bộ hưu trí ấp Văn Hiên 1 đã bỏ tiền làm con đường đất đỏ đi qua ấp. Tuy nhiên, do địa thế ở khu vực trũng thấp, mỗi khi mưa lớn lượng nước trên lô cao su tràn xuống nhiều nên việc bảo quản, gia cố đường hằng năm tốn nhiều chi phí. Trong lúc ông Tuấn đang loay hoay tìm cách kéo dài “tuổi thọ” con đường thì xã Phước An có chủ trương bê tông hóa đường ấp Văn Hiên 1 trong năm 2016. Thông tin được ông Cao Minh Công, Chủ tịch UBND xã Phước An chia sẻ với ông Tuấn. Thời điểm này, chủ trương khó khả thi bởi đa số người dân ở đây đều lớn tuổi, mức đóng góp hạn chế. “Được Nhà nước hỗ trợ, mình không làm khi nào mới làm được, có đường bê tông dân đi lại thuận tiện, trong đó có gia đình mình” - ông Tuấn nói. Nghĩ là làm, ông Tuấn đầu tư 200 triệu đồng cùng nhân dân trong ấp bê tông hóa con đường trên 1,1km, mặc dù đường đi qua nhà ông khoảng 150m, tương đương mức đóng 40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trung Tuấn (thứ hai từ phải qua) đã đóng góp 200 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường ấp Văn Hiên 1, xã Phước An (Hớn Quản)

Ông Tuấn đã dành trọn tâm huyết cho con đường. Đây là tuyến quan trọng nối liền trung tâm xã đi qua ấp Văn Hiên 1 đến các ấp Tranh 2, Tranh 1, giúp giao thương hàng hóa, nông sản của người dân thuận tiện, góp phần nâng cao giá trị kinh tế. Ông Trương Văn Thắng, người dân ấp Văn Hiên 1 xúc động nói: “Rất biết ơn ông Tuấn. Nếu không có ông giúp đỡ, có lẽ đến giờ con đường chưa hoàn thành. Lúc trước chúng tôi đi lại khổ lắm, giờ người già, trẻ nhỏ không còn lo lắng trơn trượt, nguy hiểm rình rập mỗi khi đi lại sau cơn mưa”. Ông Cao Minh Công, Chủ tịch UBND xã Phước An nói: “Việc làm của ông Tuấn là điển hình của Phước An trong học tập và làm theo Bác. Chúng tôi đã nhân rộng ra toàn xã. Đến nay, các ấp đã thực hiện tốt việc xây dựng đường giao thông nông thôn để thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới. Trong 2 năm 2016-2017, xã Phước An đã làm hơn 10km đường bê tông xi măng, trong đó có sự đóng góp của các cá nhân và toàn thể nhân dân trên địa bàn”.

CẦM CỐ SỔ TIẾT KIỆM CHO DÂN MƯỢN TIỀN LÀM ĐƯỜNG

Học tập và làm theo gương Bác, hằng năm ông Thiều Quang Thêm, 71 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi ấp Thanh Sơn, xã Phước An đều hỗ trợ vốn cho một số hộ khó khăn, cho vay không lấy lãi khi hội viên ốm đau, hoạn nạn. Ngoài ra, ông còn vận động hội viên xây dựng quỹ giúp nhau 219 triệu đồng. Năm 2017, chi bộ, ban ấp vận động nhân dân đóng góp làm đường bê tông, dù không hưởng lợi trực tiếp nhưng ông cũng đóng góp 8 triệu đồng và tham gia ban vận động, giám sát. Năm 2017, để cùng Nhà nước làm tuyến đường trên 1km đi qua tổ 8, ấp Thanh Sơn, 32 hộ dân đóng góp 260 triệu đồng, bình quân trên 8 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, đời sống một số hộ còn khó khăn, qua nhiều lần họp, số tiền thu được cũng chỉ hơn 147 triệu đồng. Để con đường sớm hoàn thành, ông Thêm bàn với vợ tìm cách kiếm tiền cho dân vay không lấy lãi. Lần 1 vợ ông phản đối. Lần 2 thuyết phục, vợ ông im lặng. “Im lặng có nghĩa là đồng ý”, ông cầm cố sổ tiết kiệm tích góp từ bó rau, quả trứng bao năm để vay ngân hàng, cộng thêm 12 triệu đồng có sẵn, ông cho 12 hộ dân vay 100 triệu đồng. Để hoàn thành tuyến đường cũng lắm nhiêu khê. Ban đầu, một số người không muốn bỏ tiền làm đường nên khi thấy ông Thêm tự bỏ tiền ra cho vay, họ đến nhà trách ông, thế nên đã không được tiếng thơm mà ngược lại. Tuy nhiên, ông vẫn lẳng lặng làm cho đến nay. Thương ông già yếu nhưng vẫn dốc tâm huyết với dân, với con đường nên các hộ đã trả lại tiền, hiện chỉ còn nợ ông 6 triệu đồng.

Ông Thiều Quang Thêm dọn dẹp con đường sau cơn mưa

Đến thăm bất ngờ khi không báo trước lý do, trong căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình, khi chúng tôi ngỏ ý nêu gương, ban đầu ông chối đây đẩy: “Việc mình làm nhỏ bé lắm, còn nhiều người có đóng góp lớn lao hơn nhiều, đưa lên báo chí người ta cười”. Ông nói: “Trong khi toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới theo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, học và làm theo tấm gương của Bác, mình làm vì cộng đồng. Tôi sống đến cuối đời rồi, phải làm gương cho con cháu”. Bà Nguyễn Thị Yến, Bí thư Chi bộ ấp Thanh Sơn nói: “Mặc dù đã lớn tuổi nhưng cụ Thêm luôn nêu cao tinh thần gương mẫu của người lính thanh niên xung phong, trong gia đình cũng như ngoài xã hội”.

Ông Tuấn, ông Thêm là hai trong số 10 cá nhân được Huyện ủy Hớn Quản tuyên dương điển hình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW giai đoạn 2016-2018. Có đường bê tông “để những chuyến xe ta băng băng qua” nhưng ông Tuấn, ông Thêm vẫn đang ấp ủ dự định sẽ cùng các hộ dân lắp hệ thống đèn đường, đem ánh sáng văn hóa về vùng sâu.

Thanh Mai

  • Từ khóa
2124

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu