Thứ 6, 29/03/2024 03:00:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:46, 07/04/2017 GMT+7

Vì nghĩa lớn

Thứ 6, 07/04/2017 | 14:46:00 186 lượt xem
BP - Theo sách “Lam Sơn thực lục”, hơn một năm sau, giặc Minh phát hiện ra kế giả hàng của Lê Lợi nên tập trung lực lượng chuẩn bị tấn công vào căn cứ Lam Sơn. Khi ấy, Lê Lợi đã cấp tốc họp bộ tham mưu bàn cách đánh giặc. Ngày 12-10-1424, theo kế hoạch của tướng Nguyễn Chích, Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân chủ động tiến vào Nghệ An xây dựng căn cứ địa mới.

Lúc đó, bà Ngọc Trần tiếp tục theo Lê Lợi cùng nghĩa quân lên đường đánh giặc. Năm 1425, Lê Lợi vây thành Nghệ An, tiến đánh thành Trào Khẩu ở Hưng Nguyên. Tại đây, hoàng hậu Ngọc Trần đã quyết hy sinh thân mình để tế thần. Trong cuốn “Lam Sơn thực lục” của Hồ Sĩ Dương có chép về sự việc này như sau. Vào tháng 3-1425, Lê Lợi tiến quân vây thành Nghệ An, giặc Minh ra sức chống giữ, thế lực chưa phân thắng bại.

Quân doanh của Lê Lợi tạm đóng cạnh đền thờ thần Phổ Hộ bên bờ sông Lam thuộc làng Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên. Đêm đó, Lê Lợi chiêm bao thấy một vị thần báo mộng cho mình rằng: Tướng quân nhường cho tôi một người thiếp, tôi hứa hết sức phù hộ tướng quân đánh thắng giặc, giữ vững nghiệp đế...

Tỉnh dậy, Lê Lợi nghĩ rằng: Thuở xưa, vua Lý nhờ vợ chồng ông hàng dầu là Vũ Phục, nhảy xuống sông Thiên Phù hiến xác cho thủy thần mà vua Lý khỏi bệnh đau mắt, lo được việc chống giặc. Rồi Lý Thường Kiệt dàn trận đánh Tống, nói rằng có thần ngâm thơ giúp đuổi giặc, mà quả nhiên hôm sau quân ta phá được giặc Tống bên sông Như Nguyệt. Vậy thì ngày nay, ta mất một người mà cứu sống muôn người, thu lại được non sông, thì việc đáng làm lắm rồi.

Sáng sớm hôm sau, Lê Lợi cho gọi những người vợ của mình đến hỏi rằng: Có ai chịu đi làm vợ thủy thần không? Sau này khi ta lấy được nước, sẽ lập con của người đó làm thiên tử. Các bà phi đều im lặng, không nói gì. Chỉ có bà Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: Nếu vì nghiệp lớn của Minh Công thì thiếp tự nguyện xả thân; ngày sau mong Minh Công giữ lời hứa, chớ phụ con thiếp.

Nhà vua khen ngợi và thương cảm hứa trước các bà và bề tôi, ngày sau xin làm đúng hẹn. Rồi vua sai bề tôi cùng đến đền làm lễ tế thần. Đó là ngày 24-3-1425. Lúc này bà Ngọc Trần đang bế con là Nguyên Long vừa mới lên 3 tuổi, gạt nước mắt trao cho người hầu bế. Rồi bà đứng lên làm vật tế thần. Chép về sự kiện này, Lê Quý Đôn trong sách “Đại Việt thông sử” có ghi: Nhà vua sai làm lễ tế thần. Dùng hoàng hậu làm vật tế. Hoàng hậu bèn mất.

Sau khi đã tự nguyện gieo mình xuống dòng sông, hy sinh tính mệnh vì việc nước, hoàng hậu Ngọc Trần được nhà vua và nghĩa quân đưa về mai táng tại quê nhà ở sách Quần Đội. Tuy nhiên, khi về đến làng Mía, vùng đất Thọ Diên thì trời đã tối. Lê Lợi quyết định đặt linh cữu của bà ở đây qua đêm. Sáng mai mọi người ngạc nhiên vì một chuyện vô cùng kỳ lạ. Đó là nơi đặt linh cữu của bà Ngọc Trần, mối đã đùn thành một đống đất cao như một nấm mồ. Mọi người đều nghĩ về sự hiển linh của bà là bà muốn an nghỉ tại đây. Vậy nên Lê Lợi truyền cho làng Mía lập đền thờ gọi là đền Hiển Nhân.

Sau khi bà Ngọc Trần hiến thân tế thần, Lê Lợi và nghĩa quân liên tiếp dành thắng lợi. Không lâu sau đó, cuộc khởi nghĩa dành thắng lợi hoàn toàn, đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Nhưng khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế thì ông lập con trưởng là Lê Tư Tề làm giám quốc lo triều chính mà quên mất Lê Nguyên Long. Theo truyền thuyết, một hôm vua đang ngủ, bà Ngọc Trần quay về báo mộng trách cứ vua quên công lao của mình, vua choàng tỉnh rồi truyền thân cận ra chiếu chỉ lập Nguyên Long làm Hoàng thái tử, phế Tư Tề xuống làm Quận vương. Tuy nhiên, điều này trong chính sử chép lại có phần khác biệt. Cụ thể là vua Lê Thái Tổ bỏ Lê Tư Tề vì cho rằng Tư Tề làm nhiều điều trái ý. Đến năm 1433, Lê Lợi qua đời, Lê Nguyên Long lên ngôi vua, tức là vua Lê Thái Tông. Năm 1437, vua Thái Tông truy tôn mẹ mình làm Hoàng thái hậu và đưa vào thờ ở Thái Miếu.

Lời bàn:

Trong lịch sử mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nổi lên biết bao anh hùng liệt nữ, dù trong hoàn cảnh nào, dù có danh hay không thì họ cũng đã có nhiều đóng góp to lớn và thậm chí cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một trong muôn vàn những người phụ nữ ấy là Thần phi Phạm Thị Ngọc Trần, vợ của Lê Lợi. Với những đóng góp của bà, sau 6 năm hoạt động ở núi rừng Thanh Hóa, trải qua 5 chiến dịch với 15 trận chiến đấu, khởi nghĩa Lam Sơn đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Khi cuộc chiến chống quân Minh rơi vào bế tắc, bà đã tự nguyện hiến thân hy sinh vì nước, giúp cuộc khởi nghĩa chóng đến ngày thắng lợi.

Không chỉ có người đương thời mà hậu thế ngày nay cũng như mãi mãi về sau đánh giá cao những cống hiến và sự hy sinh của Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần đối với dân tộc, đất nước và triều đình hậu Lê. Noi gương bà, mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm thì phụ nữ Việt Nam lại phát huy cao độ truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, trong hòa bình thì lại là những người giỏi việc nước, đảm việc nhà.

N.D

  • Từ khóa
109901

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu