Thứ 6, 19/04/2024 23:23:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:30, 16/01/2017 GMT+7

Vì một vị thế mới của ngành công thương

Thứ 2, 16/01/2017 | 06:30:00 127 lượt xem
BP - Bức tranh công nghiệp cả nước năm 2016 ảm đạm khi Bộ Công thương tổng kết với thông tin nhiều ngành công nghiệp gặp khó khăn. Nhưng ngược lại, Bình Phước vẫn tận dụng lợi thế để tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định. Để đánh giá lại chặng đường đã qua và phác thảo định hướng cho bước đi của ngành công nghiệp tỉnh thời gian tới, phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương.

Xin ông cho biết dấu ấn quan trọng ngành công thương tỉnh đã đạt được thời gian qua?

Ông Nguyễn Anh Hoàng: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 là đảm bảo tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - thương mại, xem đây là lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, ngành công thương đã sắp xếp lại các nhóm ngành; phân ngành theo mục tiêu ưu tiên để đảm bảo tính thực tiễn và toàn diện.

Người dân tham quan hội chợ hàng công nghiệp nông thôn Đông Nam Bộ - Bình Phước tổ chức tháng 12-2016 - Ảnh: N.Hà

Từ xuất phát điểm rất thấp nhưng với nhiều nỗ lực cùng sự hỗ trợ từ cấp, ngành hữu quan, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tỉnh đã có bước tiến vượt bậc. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp 22,52 tỷ đồng thì đến nay đạt 9.543 tỷ đồng, tăng 76,89 lần. Ngành đã tổ chức 47 lớp đào tạo nghề cho 1.947 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 1,879 tỷ đồng. Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có cơ hội quảng bá hình ảnh đến khách hàng cũng như bạn hàng trong và ngoài nước. 147 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ để tham gia 30 hội chợ trong nước; 23 cơ sở tham gia 4 hội chợ nước ngoài. Ngành còn hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp (DN) xây dựng và đăng ký thương hiệu; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Theo đó, năm 2012 có 20 sản phẩm bình chọn cấp tỉnh, 3 sản phẩm cấp khu vực; năm 2014 có 19 sản phẩm bình chọn cấp tỉnh, 4 sản phẩm cấp khu vực, 2 sản phẩm cấp quốc gia; năm 2016 có 31 sản phẩm bình chọn cấp tỉnh, 5 sản phẩm cấp khu vực.

Để tiết kiệm năng lượng đi vào đời sống, Sở Công thương không chỉ phối hợp với các đơn vị truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phát 2.100 tờ rơi, 500 cuốn sổ tay hướng dẫn sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, tổ chức mít tinh ở hầu hết huyện, thị xã mà còn thay thế thiết bị tiết kiệm điện cho 120 gia đình; hỗ trợ 53 cơ sở ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm từ nhựa tái sinh; tách vỏ cứng, vỏ lụa, phân loại màu hạt điều xuất khẩu, chế biến gia súc, gia cầm... trên 8,993 tỷ đồng.

Thưa ông, với khó khăn chung của kinh tế thế giới, khu vực cũng như trong nước, ngành công thương tỉnh bị ảnh hưởng thế nào? Đâu là lực cản, thách thức?

Ông Nguyễn Anh Hoàng: Trải qua 20 năm thành lập và phát triển, ngành công thương Bình Phước đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bên cạnh những kết quả đạt được thì cơ cấu ngành công nghiệp chuyển biến chậm. Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn thấp. Nguyên nhân do cơ cấu kinh tế chậm chuyển đổi, tỷ lệ sản xuất gia công cao, tăng trưởng công nghiệp chưa thật sự mang lại hiệu quả. Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Nguyên nhân chính do kinh tế khó khăn nên chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, một số DN trong tỉnh hạn chế về năng lực tài chính, trình độ quản lý vì chủ yếu là nhỏ và vừa, đi lên từ nông nghiệp. Họ chưa nhạy bén với thị trường và nhận diện rủi ro trong sản xuất - kinh doanh để xây dựng chiến lược phù hợp và kế hoạch phòng ngừa. Nhiều DN chưa có khách hàng truyền thống và đủ uy tín để mở rộng thị trường tiềm năng dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp phối hợp Phòng Kinh tế thị xã Đồng Xoài nghiệm thu máy tách vỏ cứng hạt điều trên địa bàn xã Tiến Hưng

Môi trường đầu tư của tỉnh khó thu hút ngành nghề yêu cầu kỹ thuật cao vì kém cạnh tranh về hạ tầng, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư cũng chưa đột phá, thủ tục đầu tư dù có cải cách nhưng chưa thật sự hiệu quả. 

Bên cạnh thiếu lao động, chi phí đầu vào tăng do giá nguyên liệu thì cơ chế thu hút đầu tư sản xuất, thương mại để làm nổi bật vai trò DN Bình Phước vẫn mờ nhạt. Trong khi tỉnh là điểm kết nối và thông thương giữa vùng trọng điểm phía Nam với hai nước láng giềng Campuchia và Lào; thông qua Campuchia đến với Thái Lan; đồng thời kết nối khu vực Tây Nguyên bằng tuyến quốc lộ 14.

Để giúp DN trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường và khẳng định vị thế, Sở Công thương đã có kế hoạch, chương trình hỗ trợ thiết thực nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Hoàng: Bên cạnh khuyến khích, hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, dự báo thị trường xuất khẩu thì tăng cường xúc tiến thương mại ra nước ngoài đúng trọng tâm và giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng được ngành đẩy mạnh. Ngành cũng tăng cường quản lý nhà nước, hỗ trợ DN đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất - kinh doanh, xây dựng và quảng bá thương hiệu cần ưu tiên hơn...

Sở Công thương xác định nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới là tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách của ngành; kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tiếp cận dịch vụ công.

Ngành hiện ưu tiên tái cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến. Đặc biệt ưu tiên chế biến sâu, giảm xuất nguyên liệu thô, phát triển dịch vụ chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ. Trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ, đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu.

Ngành cũng tiếp tục hỗ trợ DN cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh theo chiều sâu để tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi. Khuyến khích các DN ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Phát huy tốt hơn nữa sự hợp tác, liên kết vùng, liên kết phát triển công nghiệp, xây dựng vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Công tác xúc tiến trong mở rộng thị trường xuất - nhập khẩu phù hợp với khả năng và lợi thế của tỉnh, tập trung xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như ASEAN, Đông Âu, Trung Quốc và từng bước thâm nhập Nhật Bản, EU, Mỹ.

Ngoài ra, ngành công thương cũng quản lý, bình ổn, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng. Tất cả hướng đến mục tiêu thúc đẩy sản xuất - kinh doanh theo hướng bền vững, khẳng định vị thế cho ngành trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Tú (thực hiện)

  • Từ khóa
41012

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu