Thứ 5, 28/03/2024 15:48:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:17, 23/04/2019 GMT+7

Tất cả vì lợi ích nhân dân

Thứ 3, 23/04/2019 | 14:17:00 736 lượt xem
BP - Trước kia muốn chứng thực văn bản, người dân các xã phải lên tận huyện để làm, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền xăng xe thì khi Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký ra đời đã phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền chứng thực cho UBND cấp xã. Nhờ đó, khi có nhu cầu người dân chỉ việc ra xã, phường, thị trấn chứng thực.

Năm 2008, để khuyến khích phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25-8-2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, trong đó chỉ rõ: UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình phát triển của tổ chức hành nghề công chứng để quyết định giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; trong trường hợp trên địa bàn huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì người tham gia hợp đồng, giao dịch được lựa chọn công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực của UBND cấp xã theo quy định của pháp luật. Thực hiện Thông tư số 03, UBND tỉnh đã ban hành 8 quyết định giao việc công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn các huyện, thị xã sang các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác chứng thực do UBND huyện Chơn Thành tổ chức tháng 3-2019 - Ảnh: Đỗ Trình

Tuy nhiên, việc phát triển văn phòng công chứng ở địa bàn các huyện chưa mạnh. Hơn nữa, các văn phòng công chứng thường tập trung ở thị trấn, xã trung tâm của huyện. Do vậy, người dân ở các xã muốn thực hiện hợp đồng, giao dịch phải đến huyện làm, có xã ở xa, người dân phải đi 30-40km, tốn rất nhiều thời gian, công sức, chưa tính phí công chứng cao hơn nhiều so với lệ phí chứng thực ở UBND xã, phường, thị trấn do tính chất bảo đảm pháp lý ở công chứng cao hơn chứng thực.

Ông Tống Duy Hiên, chủ nhà trọ Thanh Phương ở ấp 3B, xã Minh Hưng (Chơn Thành) cho biết, gia đình ông có 36 phòng trọ nên muốn làm hợp đồng với điện lực để mỗi phòng trọ 4 người được hưởng mức điện sinh hoạt theo hộ gia đình. Trước đây chỉ cần ra UBND xã chứng thực là xong, nay phải đến Văn phòng công chứng và mất phí mỗi phòng trọ để làm hợp đồng là 250 ngàn đồng, tính ra mất 9 triệu đồng, vì vậy ông không khỏi suy nghĩ, đắn đo.

Sự khó khăn nêu trên của người dân đã được giải quyết khi Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ngày 16-2-2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Theo đó, quy định UBND xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản; chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10-4-2015, thay thế Nghị định số 79/2007/NĐ-CP; Nghị định số 04/2012/NĐ-CP; Điều 4 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP; các quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP. Như vậy, khi thực hiện hợp đồng, giao dịch, tổ chức và cá nhân có quyền lựa chọn công chứng ở văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn.

Mới đây nhất, ngày 25-2-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 345-QĐ/UBND bãi bỏ các quyết định chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh sang các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện (8 quyết định). Bởi các quyết định này không còn phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013, Điều 2 Luật số 28/2018/QH14 ngày 15-6-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

Đến nay, nhiều huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác chứng thực, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định số 345 của UBND tỉnh, thông qua trang bị kỹ năng, nghiệp vụ chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, quyền sử dụng đất và nhà ở, di chúc...

Với Quyết định số 345, từ ngày 25-2-2019, tổ chức và cá nhân khi thực hiện hợp đồng, giao dịch không nhất thiết phải ra văn phòng công chứng, mà có quyền lựa chọn công chứng ở văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn.

Nhật Hạ

  • Từ khóa
27213

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu