Thứ 6, 26/04/2024 00:30:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 11:21, 17/05/2017 GMT+7

Vì đại nghĩa

Thứ 4, 17/05/2017 | 11:21:00 279 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục”, Lê Lai là người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược ngay từ giai đoạn đầu khi cuộc khởi nghĩa còn trong trứng nước. Về cái chết của ông, giới sử học hiện nay đều cho rằng ông hy sinh khi cải trang làm Lê Lợi để đánh lạc hướng quân Minh lúc đó đang bao vây nghĩa quân, giúp Lê Lợi và nghĩa quân thoát hiểm.

Sách “Lam Sơn thực lục” (biên soạn sau khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, lúc Lê Lợi đã lên ngôi hoàng đế) là tài liệu đầu tiên ghi nhận việc Lê Lai liều mình cứu chúa và anh dũng hy sinh năm 1418. Các sách khác như “Đại Việt thông sử”, “Lam Sơn thực lục tục biên”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”... cũng đều chép chuyện Lê Lai hy sinh, trong đó “Đại Việt thông sử” chép chi tiết nhất. Đó là cơ sở về mặt thư tịch để các nhà sử học khẳng định việc Lê Lai hy sinh năm 1418. Nhưng trong bộ quốc sử lớn nhất thời phong kiến là “Đại Việt sử ký toàn thư” thì việc Lê Lai hy sinh không được nói đến. Song, nếu chỉ dựa vào chi tiết này trong “Đại Việt sử ký toàn thư” để phủ nhận ghi chép của những quyển sử khác là điều phiến diện.

Căn cứ các tư liệu lịch sử khác đều cho thấy trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn ngày ấy có hai người mang tên và họ là Lê Lai. Viên Tư Mã Lê Lai của năm 1427 hoàn toàn không phải là Lê Lai bị quân Minh giết hại năm 1418. Theo sử sách, Lê Lai người làng Dựng Tú, huyện Lương Giang (nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Ông xuất thân trong một gia đình đời đời làm phụ đạo ở đất Dựng Tú. Lê Lai đến với Lê Lợi từ sớm. Khi Lê Lợi tổ chức hội thề Lũng Nhai thề diệt giặc cứu nước vào năm 1416, thì Lê Lai là một trong 19 người dự hội thề ấy.

 

Ngày 2 tháng giêng năm Mậu Tuất, Lê Lợi chính thức phát động khởi nghĩa. Quân Minh hay tin đã điều binh đến đàn áp. Bị quân thù hùng mạnh càn quét, nghĩa quân rút lui dần và cuối cùng phải rút lên núi Chí Linh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Quân Minh vây chặt quanh núi, quyết tiêu diệt toàn bộ nghĩa quân. Vòng vây quân thù ngày một xiết chặt khiến nghĩa quân hao hụt dần, lương thực cạn kiệt, phải ăn củ nâu, mật ong để cầm cự. Nếu không sớm thoát khỏi tình thế hiểm nghèo này, cuộc khởi nghĩa có nguy cơ bị dập tắt, quân tướng Lam Sơn có thể bị tuyệt diệt. Theo sách “Lam Sơn thực lục”, khi ấy chủ tướng Lê Lợi hội họp các tướng bàn cách giải nguy. Ông hỏi các tướng:

 - Ai dám đổi áo, thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta, bắt chước như Kỷ Tín (người đã cải trang thành Lưu Bang để cho quân của Hạng Vũ bắt, giúp Lưu Bang thoát thân, về sau đánh bại Hạng Vũ lập ra nhà Hán - Trung Quốc), để cho ta có thể giấu tiếng, nghỉ binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau?

Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai thưa rằng: Tôi bằng lòng xin thay mặc áo Nhà - vua. Ngày sau Bệ - Hạ gây nên Đế - nghiệp, có được thiên - hạ, thương đến công tôi, cho con - cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!

Nhà vua lạy trời mà khấn rằng: Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con - cháu, và các tướng - tá, hay con - cháu các công - thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền - đài hóa ra rừng núi; ấn - vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao - binh!

 Thế rồi, Lê Lai cải trang thành Lê Lợi, dẫn 500 quân cảm tử và 2 voi chiến xông ra đánh địch, tự xưng là chúa Lam Sơn. Quân Minh tưởng thật, hùng hổ xông đến. Lê Lai đã dũng cảm chiến đấu nhưng quân ít, thế cô, cuối cùng toàn quân bị diệt, bản thân bị quân Minh bắt giải về, sau đó bị xử tử bằng cực hình. Tưởng rằng đã giết được Lê Lợi, đánh tan quân khởi nghĩa, tướng Minh hí hửng thu quân, triệt thoái khỏi Chí Linh. Lê Lợi và các nghĩa binh còn lại nhờ đó mới thoát hiểm và tính kế mưu sự trở lại. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế đã truy phong cho Lê Lai là Suy Trung Đồng Đức Hiệp Mưu Bảo Chính Lũng Nhai Công Thần, hàm Thiếu Úy rồi Thái Úy. Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã gia phong là Trung Túc Vương. Con cháu của ông nối đời đều được trọng dụng, hưởng phúc dài lâu với triều Lê trong gần 400 năm (1428-1788).

Lời bàn:

Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm mất nước, mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc. Còn Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, đã kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới. Và trong chiến thắng vĩ đại ấy có công lao đóng góp không nhỏ của các tướng sĩ Lam Sơn, mà người đứng đầu là Lê Lai. Bởi chính sự hy sinh anh dũng của Lê Lai đã cứu sống Lê Lợi cùng bộ chỉ huy Lam Sơn và nghĩa sĩ bị bao vây ở núi Chí Linh. Cũng từ tấm gương lẫm liệt của Lê Lai đã kích động mạnh mẽ tinh thần chiến đấu ngoan cường của toàn bộ lực lượng Lam Sơn.

Hy sinh cho sự an toàn của chủ tướng, cho sự bảo toàn của bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đó là sự hy sinh vì đại nghĩa. Và Lê Lai đã trở thành biểu tượng của lòng trung nghĩa phi thường, của khí phách hiên ngang, bất khuất. Hình ảnh Lê Lai luôn được ca tụng và ghi nhớ, một tượng đài về tấm lòng trung quân báo quốc. Vì đại nghĩa quên mình, cái chết của ông là cái chết vinh quang, tên tuổi của ông đời đời không phai trong ký ức bất diệt của nhân dân.

N.D

  • Từ khóa
109915

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu