Thứ 6, 29/03/2024 22:08:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:33, 17/07/2018 GMT+7

Vì công lý

Thứ 3, 17/07/2018 | 08:33:00 172 lượt xem
BP - Cũng trong chuyên mục này, ở kỳ trước đã nói về việc Tham tụng Hà Tông Huân xét xử vụ án xác chết trong ruộng ngô. Vì không có bằng chứng, lại cũng không có nhân chứng nên Hà Tông Huân đành phải bãi đường và tìm giải pháp khác để điều tra vụ án. Sau đó, ông cho gọi viên chỉ huy của anh lính, viên Hương trưởng nơi làng anh sinh đồ để hỏi thông tin. Họ khai rằng ngày ấy tháng ấy, anh lính xin về thăm nhà; ngày nọ tháng nọ, viên sinh đồ rời làng ra đi, 2 thời điểm cách nhau không xa.

Có thêm một số thông tin giá trị như vậy, Hà Tông Huân liền mở rộng diện điều tra, sai người hỏi han chủ các quán trọ trên đường từ làng anh lính đến Phùng Xá. Khi hỏi đến chủ quán trọ làng Phùng Xá thì bà ta chẳng may vừa qua đời, nhưng con gái bà, năm đó chừng 13 tuổi vẫn nhớ rành mạch sự việc xảy ra ở quán vào thời điểm anh sinh đồ trẩy kinh. Cô bé sau khi nhận mặt anh sinh đồ, liền kể rõ sự việc diễn ra vài tháng trước rằng: Cháu nhớ khoảng mấy tháng trước, anh lính từ kinh đô về làng, còn người học trò thì từ làng lên kinh đô, 2 bên gặp nhau ở trong quán của cháu. Uống trà xong, mỗi người đi một hướng khác nhau. Đến hôm sau, lại thấy người học trò đi qua đây.

Minh họa: S.H

Lời nói của cô gái là đầu mối cực kỳ quan trọng, anh sinh đồ và anh lính có quen nhau. Anh sinh đồ là người cuối cùng gặp anh lính, sau đó anh lính mất tích. Mọi nghi ngờ về hung thủ giờ đây đổ dồn về phía anh sinh đồ. Hà Tông Huân thăng đường xét xử, phân tích thấu đáo mọi lẽ khiến anh sinh đồ dẫu cố cãi nhưng lý lẽ yếu dần nhưng vẫn chưa nhận tội. Hà Tông Huân quyết tâm làm đến cùng. Ông kết hợp dùng hình với đấu tranh tâm lý, rốt cuộc đã khiến viên sinh đồ phải cúi đầu nhận tội, cung khai tất cả.

Theo lời khai của tên sinh đồ, sau khi anh lính nhập ngũ, vợ anh ta và hắn đã lén lút tư thông. Mối tình vụng trộm và trái đạo này ngày một đi quá xa. Vợ anh lính vì quá mê say người tình nên bảo tên sinh đồ làm thế nào giết được anh lính thì ả sẽ về sống bên hắn trọn đời. Tên sinh đồ nghe thế, lấy làm phải. Hắn đem theo dao, khăn gói rời làng lên kinh với ý định tìm gặp rồi hạ sát anh lính. Chẳng ngờ, khi vào nghỉ chân ở quán trọ làng Phùng Xá, hắn tình cờ gặp anh lính trên đường về thăm nhà, cũng đang ngồi nghỉ ở đấy. Anh lính nhận ra người làng, vui vẻ đến bắt chuyện, hồ hởi hỏi thăm mọi điều.

Tàn cuộc trà, hai người từ biệt nhau, mỗi người đi một ngả nhưng tên sinh đồ chỉ vờ đi mà thôi. Đi được một quãng, hắn theo lối tắt chạy đón đường anh lính, rồi thình lình rút dao đâm chết. Gây án xong, hắn kéo xác anh lính giấu vào ruộng ngô, rồi hôm sau quay lại quán Phùng Xá nghỉ ngơi trước khi về làng.

Mấy tháng sau, nghe biết xác anh lính được phát hiện, hắn bàn với ả nhân tình đâm đơn kiện dân làng Phùng Xá để vụ án nhanh kết thúc và chúng được vô can. Diễn biến tiếp theo thì mọi người đều đã rõ.Làm rõ chân tướng vụ việc, Hà Tông Huân quyết sửa bản án mà Trấn thủ Sơn Tây đã tuyên, minh oan cho dân làng Phùng Xá và trị tội tên sinh đồ. Ông bàn với Nguyễn Nghiễm nhưng Nguyễn Nghiễm cho rằng bản án trước đã định, không có gì đáng ngờ, chẳng nên tùy tiện thay đổi vì như vậy là trái với phép tắc triều đình. Và Nguyễn Nghiễm dứt khoát không chịu ký vào bản kết luận cuối cùng.

Hà Tông Huân tranh luận đủ đường nhưng không sao thuyết phục được Nguyễn Nghiễm, bèn đem hết sự trạng tâu bày với chúa Trịnh. Chúa Trịnh Doanh xem xong tờ tâu, liền phán ngay rằng: Một đằng thì giữ phép tắc, còn một đằng thì xét xử theo tình hình thực tế. Cách xét xử của cả 2 đều phải. Song xử án phải dựa vào thực tế, mưu gian xảo của tên sinh đồ đã lộ rõ hết cả, nên căn cứ vào hành vi giết người mà xử tội nó thôi. Tiếp nhận ý chỉ của chúa, Hà Tông Huân chính thức khép lại vụ án, trừng trị đích đáng tên sinh đồ và ả nhân tình theo luật pháp.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại này, Hà Tông Huân quả xứng với lời bình phẩm của nhà bác học Phan Huy Chú ở thế kỷ XIX, rằng: Ông bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ nhỏ nhặt. Khi thi thố những việc to tát, việc gì cũng xong. Ở triều hơn 30 năm, trải làm tướng văn, tướng võ, công danh hiển hách. Không những thế, ông còn nổi tiếng về đức độ, là người có “bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ việc nhỏ nhặt” nên được người đương thời ca ngợi: Là bậc nguyên lão nhưng vẫn nhường bọn tuổi trẻ. Mọi việc làm xong cả, nhưng đến lúc thịnh, thì nhường cho người sau. Tài năng và công danh nổi tiếng một thời của Hà Tông Huân không những lộ rõ ở những quyết sách phú quốc cường dân mà còn cả lúc xét án, khiến người đời thán phục. Vì thế, cuộc đời cùng sự nghiệp vẻ vang của ông mãi mãi được lưu danh sử sách.

Tiếc rằng, hậu thế thời nay có mấy ai làm được như ông? Bởi thế mới xảy ra việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Bích Anh, nguyên Thẩm phán, Phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng, Hà Nội, về hành vi “Nhận hối lộ”. Ngày 2-8-2017, bà Bích Anh nhận 300 triệu đồng của bị cáo với thỏa thuận xử cho bị cáo được hưởng án treo. Nhưng ngày 4-8-2017, bị cáo đã bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam nên gia đình bị cáo đòi lại tiền và bí mật ghi âm, ghi hình việc đòi lại tiền để tố cáo Thẩm phán Bích Anh tới Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thật đáng buồn thay!

N.D

  • Từ khóa
110065

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu