Thứ 5, 25/04/2024 11:55:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:19, 02/04/2014 GMT+7

Vì chưa mất bò!

Thứ 4, 02/04/2014 | 09:19:00 134 lượt xem

Mới chưa hết quý 1/2014 mà đã có rất nhiều chuyện đáng buồn về cung cách quản lý lỏng lẻo, dẫn đến sai phạm diễn ra khiến chúng ta phải suy ngẫm về câu phương ngôn “mất bò mới lo làm chuồng”!

 Sau sự kiện sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu khiến 40 người thương vong, dù Bộ trưởng Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã kịp thời, quyết liệt chỉ đạo khắc phục hậu quả, song nhiều người không khỏi giật mình nhìn lại hệ thống cầu treo trong cả nước. Ngay lập tức, Bộ Xây dựng có công văn gửi Bộ GT-VT và UBND các tỉnh, thành đề nghị rà soát, kiểm tra hệ thống cầu treo trên phạm vi cả nước. Và theo thống kê của Bộ GT-VT tại 56 tỉnh thành, tính đến ngày 22-3, cả nước có 1.944 cầu treo. Trong số này, có 1.135 cầu đủ điều kiện khai thác bình thường, 809 cầu còn lại đã bị hư hại, xuống cấp cần sửa chữa. Nhiều người đặt câu hỏi, chỉ một cầu treo Chu Va 6 sập đã khiến 40 người thương vong. Vậy ai sẽ bảo đảm tính mạng cho hàng triệu người dân thường phải lưu thông qua hơn tám trăm cây cầu treo đã hư hại, xuống cấp kia?!

Chuyện sập cầu treo chưa kịp lắng, dư luận lại râm ran bởi nghi án nhận hối lộ của quan chức ngành đường sắt trị giá hơn 16 tỷ đồng tiền Việt (đáng nói là vụ việc này do chính người Nhật kiểm tra, phát hiện); vụ Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, Từ Liêm (Hà Nội) bật đèn xanh cho các nhà thầu rút ruột các công trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã (do người dân tố cáo); rồi báo chí trong nước và cả nước ngoài đồng loạt chia sẻ thông tin, hình ảnh cô và trò ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên qua suối dữ bằng túi ni-lon...

Vẫn với tinh thần quyết liệt, ông Bộ trưởng GT-VT lại chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra tất cả các dự án có vốn ODA của Nhật Bản, trước mắt là các dự án đường sắt; hứa sẽ xây dựng ngay cây cầu qua suối Nậm Pồ. Tại cuộc họp khẩn cấp chiều ngày 23-3, Bộ trưởng GT-VT khẳng định sẽ kiên quyết, khẩn trương kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí nêu về nghi án nhận hối lộ ở dự án đường sắt đô thị Hà Nội và xử lý nghiêm những sai phạm, bất kể là ai. Phía UBND huyện Từ Liêm cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, kết luận có vi phạm và xử lý kỷ luật bằng hình thức “khiển trách” đối với ông Chủ tịch UBND xã...

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ GT-VT chỉ “khẩn trương, nghiêm túc” hành động như kiểu đợi mất bò rồi mới lo làm chuồng? Mà đây đâu phải lần đầu những kiểu vượt sông, suối “có một không hai” được thông tin trên báo chí. Chuyện cô, trò chui vào túi bóng, người dân đu dây để qua sông, gần đây nhất là ngay tại Hà Nội, cô dâu xúng xính váy cưới cũng phải... đu dây qua sông về nhà chồng khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều chuyện lạ.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Một cây cầu cho cô và trò bản Sam Lang không phải chui túi bóng qua suối dự kiến hết 3,5 tỷ đồng. Ngay trên địa bàn xã Nà Hỳ đã cần bốn, năm cây cầu qua suối. Vậy cả tỉnh Điện Biên, cả khu vực miền núi phía Bắc, rộng hơn là cả nước sẽ cần bao nhiêu cây cầu? Và bao nhiêu tiền là đủ? Bởi thế, những người làm chính sách trong ngành giao thông cần phải chủ động hơn trong khảo sát, đánh giá và chọn công trình cần đầu tư trước theo kế hoạch từng năm, từng giai đoạn để không phải cuống lên mỗi khi có những clip về cách vượt sông, suối sáng tạo của người dân được tung lên mạng!

L.T

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu