Thứ 6, 29/03/2024 04:53:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:39, 06/06/2018 GMT+7

Vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Thứ 4, 06/06/2018 | 13:39:00 1,210 lượt xem

BP - Bình Phước là tỉnh có tiến độ phân giới, cắm mốc nhanh nhất so với những địa phương có đường biên giới đất liền tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Đạt kết quả này, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương còn có sự đóng góp công sức to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh Bộ CHQS tỉnh. Đối mặt với những khó khăn, từ bàn tay những người lính thợ, từng cột mốc uy nghi mang dáng hình đất nước mọc lên trên khắp nẻo biên cương, góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiến sĩ Đại đội công binh vận chuyển vật tư qua suối đến điểm tập kết để xây dựng cột mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia

Ngày nào cũng vậy, khi trời vừa hửng sáng, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh mỗi người một việc, khẩn trương hoàn tất mọi công tác chuẩn bị hành quân lên biên giới bắt đầu công việc của một ngày mới. Từng chiến sĩ mình trần, da đen cháy, vác trên vai những bao xi măng, gạch, đá, sỏi dưới cái nắng như thiêu, như đốt là hình ảnh gây cho tôi ấn tượng sâu sắc khi đến thăm công trường xây dựng cột mốc phụ 50-52 do bộ đội công binh đang thi công. Địa hình hiểm trở nên xe chở vật liệu chỉ có thể vào cách vị trí xây dựng cột mốc 3km. Đoạn đường còn lại cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải tự “tăng bo” xuyên qua cánh rừng nguyên sinh. Những lúc hành quân xa, anh em mang theo cơm vì thường làm việc đến khi nào xong mới quay về nơi đóng quân. Không những thế, việc vận chuyển, tập kết vật tư và phương tiện thi công phải trung chuyển nhiều công đoạn mới đến công trình. Một số vị trí không thể mở đường công vụ mà sử dụng nhân lực để gánh vác, do đó mất nhiều thời gian, công sức của bộ đội. Mặt khác, những vị trí mốc được xác định xa khu dân cư, phải lập lán trại, ăn ở dã ngoại.

Gạt vội những giọt mồ hôi còn đọng trên mặt, chiến sĩ Vũ Hoàng Nam cho biết: “Mặc dù phải thực hiện khối lượng công việc lớn, trong điều kiện thi công không thuận lợi, nhưng tôi cũng như đồng đội luôn cảm thấy tự hào, vinh dự khi được tham gia thi công cột mốc biên giới. Anh em luôn bảo ban nhau, xác định rõ tư tưởng, đem hết sức mình xây dựng cột mốc biên cương vững, đẹp. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp, không bao giờ quên trong đời quân ngũ của mỗi người lính công binh”.

Không cần nói, chỉ nhìn làn da sạm đen vì nắng gió, những giọt mồ hôi thấm đẫm trên lưng áo, trên vành nón của các anh, chúng tôi cũng thấu hiểu một phần nỗi vất vả nhưng đầy tự hào của những người lính làm nhiệm vụ cắm mốc. Để bảo đảm tiến độ xây dựng cột mốc, mỗi anh em trong đội phải gùi 6 chuyến vật liệu/ngày. Đó là chưa kể còn phải gùi thêm cả đồ ăn uống nước và phục vụ sinh hoạt. Mỗi ngày anh em phải cõng xi măng, sắt, đá đi bộ hơn 30km đường rừng, núi. Mỗi vị trí xây dựng cột mốc lại có những khó khăn riêng nhưng với quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ trong đội luôn đoàn kết, động viên nhau cùng cố gắng.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh đang ra sức thi đua, đẩy nhanh tiến độ thi công với quyết tâm hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Trên công trường xây dựng các vị trí mốc thuộc cột mốc, những người lính hăng say lao động với tinh thần khẩn trương, tích cực nhất. Thi công vào khoảng thời gian mùa khô, trời nắng nóng tuy có mệt nhưng vẫn không nhiều gian khổ bằng mùa mưa. Vì mùa mưa rất khó khăn trong việc mang vác vật liệu do đường trơn. Đây cũng là mùa vắt và muỗi rừng sinh sôi mạnh. Có chiến sĩ buổi sáng thức dậy thấy người bê bết máu, kiểm tra mới phát hiện hàng chục con vắt chui vào người cắn từ lúc nào không biết. Phải ăn ngủ, sinh hoạt trong rừng, không có sóng điện thoại và tivi, trong khó khăn, gian khổ mới thấy được tinh thần đoàn kết, gắn bó của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

 Mốc 52 là 5 vị trí mốc khó khăn nhất trong 29 vị trí mốc phụ trên địa bàn tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập (Việt Nam) - Mundulkiri (Campuchia). Các vị trí mốc biên giới 52 ở khu vực hết sức khó khăn, giữa một vùng toàn sình lầy, cỏ dại, dây rừng chằng chịt. Các nguyên vật liệu xi măng, sắt, thép, đá, cát, nước... và hơn 23m3 đất, đá đào đắp để xây dựng chân cột mốc, đa phần vị trí xây dựng đều ở những nơi mà phương tiện cơ giới không thể đến được, do đó chủ yếu phải mang vác bằng sức người nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Khó khăn là vậy nhưng bằng ý chí và nghị lực vượt khó của người lính nên chỉ chưa đầy 2 tháng, các hạng mục tại những vị trí mốc biên giới đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng công trình, được đơn vị giám sát đánh giá cao.

Đại úy La Văn Thắng, Đại đội trưởng Đại đội Công binh cho biết, việc thi công xây dựng cột mốc biên giới đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, chất lượng và phải đẹp. Để đảm bảo công việc, đơn vị đã lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ không chỉ khỏe mạnh mà còn có trình độ, kinh nghiệm chuyên môn vững vàng, đảm bảo tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác... Ngoài duy trì nghiêm các quy định sinh hoạt của quân đội, đơn vị luôn làm tốt công tác chính trị tư tưởng, kịp thời cổ vũ, động viên chiến sĩ khi gặp khó khăn, đồng thời luôn quán triệt kỹ đến cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm các quy định về an ninh biên giới...

Đại tá Nguyễn Văn Kẹo, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Lãnh đạo Bộ chỉ huy luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Việc xây dựng cột mốc bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng kỹ thuật công trình.

Với đường biên giới dài 260,433km, đến nay, trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước đã tiến hành công tác tăng dày các cột mốc phụ theo sự thống nhất của Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Đại đội Công binh đã xây dựng hoàn thành 173/173 cột mốc phụ mà tỉnh Bình Phước đảm nhiệm.

Quang Thạch - Văn Minh

  • Từ khóa
4389

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu