Thứ 6, 29/03/2024 22:29:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 20:14, 15/05/2018 GMT+7

Vi bằng là gì?

Thứ 3, 15/05/2018 | 20:14:00 288 lượt xem

BPO - Ngày 24-7-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về thừa phát lại, văn phòng thừa phát lại; phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát đối với hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, thừa phát lại là một lĩnh vực mới trong đó, hoạt động lập vi bằng là một trong những chức năng quan trọng của cơ quan thừa phát lại. Tuy nhiên, cho đến nay có không ít người chưa hiểu về vi bằng và thậm chí đã có người phải gánh hệ lụy từ việc này. Vì thế, bài viết dưới đây không ngoài mục đích giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vi bằng và hoạt động lập vi bằng.

Vi bằng là gì? theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của nghị định và pháp luật có liên quan. Và theo nội dung của Khoản 2, Điều 2 cũng trong nghị định này thì vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Còn theo trang Wikipedia thì vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm. Tuy nhiên, sau khi lập vi bằng thì thừa phát phải gửi Sở Tư Pháp thì vi bằng mới được xem là hợp lệ.

Đồng thời, tại Điều 7 trong Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC có quy định: Vi bằng do thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, tòa án, viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng.

Căn cứ vào những quy định nêu trên, thì vi bằng là một loại tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng. Về giá trị pháp lý, vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng cũng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Về giá trị chứng cứ của vi bằng, trong trường hợp được người khác nhờ làm chứng cho một giao dịch hay một sự việc cụ thể (làm chứng cho di chúc miệng, làm chứng cho việc giao nhận tiền đặt cọc...), thì khi phát sinh tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp mời người đó đến với tư cách người làm chứng. Và người làm chứng sẽ phải mô tả lại những việc mà mình đã chứng kiến và việc mô tả này có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, lời chứng của của người làm chứng có chính xác và đúng sự thật hay không thì cơ quan giải quyết tranh chấp vẫn phải thực hiện việc đối chất, kiểm tra lại.

Đối với thừa phát lại, khi lập vi bằng về hành vi, sự kiện thì có mô tả bằng văn bản, quay phim, hoặc chụp hình và ghi âm (nếu cần thiết) tại thời điểm lập vi bằng. Vi bằng đó phải được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập. Chính những yếu tố này mà vi bằng có giá trị chứng cứ cao hơn “người làm chứng”. Và hiện nay, có hai loại vi bằng cơ bản mà các văn phòng thừa phát lại lập đó là: Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi; Vi bằng ghi nhận hiện trạng. Tuy nhiên, những sự kiện, hành vi được ghi nhận trong vi bằng phải được thừa phát lại trực tiếp chứng kiến và đăng ký với Sở Tư pháp.

T. Hiếu (Hội luật gia tỉnh)

  • Từ khóa
30818

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu