Thứ 6, 29/03/2024 02:20:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:29, 03/02/2016 GMT+7

Vết nhơ muôn thuở

Thứ 4, 03/02/2016 | 09:29:00 165 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, tên tuổi của Tống Thị - tức là người đàn bà họ Tống, gắn liền với nhiều chúa triều Nguyễn. Chính sử triều Nguyễn có ghi Tống Thị là con gái đầu của Tống Phước Thông, vợ của Nguyễn Phúc Anh (hoàng tử Kỳ), trấn thủ Quảng Nam và là con dâu của chúa Sãi, đồng thời là chị dâu và cũng là tình nhân của chúa Thượng nhưng lại tư thông với Chưởng dinh Nguyễn Phúc Trung (em ruột chúa Thượng).

Cũng theo sách trên, Tống Thị có nhan sắc kiều diễm, phục sức trang nhã, phong cách yểu điệu thục nữ. Không chỉ đẹp, Tống Thị còn được cho là người đàn bà ghê gớm thời Lê mạt - Nguyễn sơ. Bà không từ bất kỳ thủ đoạn nào, bất chấp cả luân thường đạo lý để đạt được mục đích của mình. Khi đã có quyền lực trong tay, Tống Thị sẵn sàng xúi giục chúa trừng trị những người mà bà oán ghét. Ngoài ra, bà còn lợi dụng quyền lực câu kết với gian thương, ra sức bóc lột nhân dân, nhận hối lộ của những kẻ cầu cạnh. Bởi thế, chẳng mấy chốc bà đã sở hữu một gia sản nhất nhì ở đàng Trong, giàu chỉ kém chúa. Nhưng điều khiến người đời nhắc đến Tống Thị nhiều nhất phải kể đến tài lung lạc đấng quân vương của bà, đến mức nhiều sử gia đã bình luận rằng: “Gái đẹp quả có mãnh lực vô biên”.

Tống Thị lấy hoàng tử Kỳ sinh được ba người con trai khiến Phước Thông rất mừng. Nhưng khi Kỳ mất, Phước Thông vô cùng thất vọng nên đã dẫn gia quyến lẻn vào vùng Thuận An trốn, chỉ có Tống Thị ở lại. Từ khi trở thành góa phụ, tham vọng và âm mưu của Tống Thị không ngừng dừng lại. Theo sử sách, Tống Thị đã dùng chuỗi vòng ngọc liên châu làm “ngải yêu” để chinh phục chúa Thượng. Thêm vào đó, Tống Thị còn dùng tài ăn nói hơn người của mình để chinh phục chúa Thượng. Khi vào diện kiến chúa, mỹ nhân đã sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh góa bụa thảm thiết, khiến chúa rủ lòng đã cho phép người đẹp được tự do vào ra vương phủ. Trước nhan sắc lộng lẫy và sự quyến rũ của Tống Thị, chúa Thượng đem lòng say mê. Qua nhiều lần gặp gỡ, bất chấp mối quan hệ chị dâu - em chồng, hai người đã ân ái hoan lạc bất luận đêm ngày.

Đam mê sắc dục, nghe lời yêu nữ làm nhiều việc sai trái, từ một người khiêm nhã, nhân hậu, chúa Thượng trở thành một bạo chúa nóng nảy, hiếu sát, hoang dâm vô độ đến bỏ bê quốc sự. Còn Tống Thị, khi được chúa Thượng sủng ái, Tống Thị càng lúc càng lộng hành, xui khiến chúa làm nhiều việc thất đức.

Để chứng tỏ mối tình nồng đượm với người đẹp, chúa Thượng định xây một lâu đài nguy nga tráng lệ để cùng Tống Thị hưởng tuổi xế chiều. Chúa bắt trăm họ lấy đá quý, gỗ quý, tập trung nhân công và thợ giỏi để thực hiện việc xây cất. Từ đó, người dân đã đói kém lại thêm sưu thuế nặng nề càng khổ ải. Trong vương phủ, những người oán ghét Tống Thị ngày càng nhiều thêm và ai ai cũng lo cho nghiệp chúa. Tuy nhiên, sự lộng hành của Tống Thị không thể kéo dài mãi. Nội tán họ Phạm đã liều thân vào phủ chúa tâu bày vụ việc dâm loạn, coi nhẹ luân thường đạo lý của chúa Thượng với Tống Thị, gieo nỗi thống khổ cho nhân dân giữa lúc thiên tai hạn hán đang lan tràn. Chúa Thượng “tỉnh ngộ”, ra lệnh bãi bỏ việc xây cất lâu đài và dần xa lánh Tống Thị.

Bị thất sủng, ngày đêm Tống Thị tìm mưu tính kế trả thù. Thị nghĩ phải làm sao cho sụp đổ toàn cơ nghiệp của họ hàng chúa Nguyễn xứ đàng Trong mới hả dạ. Tống Thị đã viết một mật thư kèm theo xâu chuỗi trăm hoa, nhờ người dâng lên tận tay chúa Trịnh Tráng. Nội dung bức thư nhằm kích động bạo loạn, nếu cuộc tiến quân đánh Thuận Hóa thành công, bà nguyện về hầu hạ chúa.

Nhận được bức thư, Trịnh Tráng vừa ngửi mùi hương của chuỗi hoa đã bần thần xao xuyến, nhìn nét chữ lại thêm mơ tưởng đến mỹ nhân nên gấp rút tổ chức cuộc Nam phạt để chiều lòng Tống Thị. Nào ngờ quân Trịnh Tráng thua lớn, Tống Thị vỡ mộng rồi chuyển hướng ve vãn sang Nguyễn Phúc Trung - em ruột chúa Thượng bởi bà nghĩ là chỉ có ông mới lật đổ được chính cháu mình - chúa Hiền.

Lời bàn:

Cũng theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, vụ làm phản của Nguyễn Phúc Trung bị bại lộ. Nguyễn Phúc Trung bị bắt và giam trong ngục cho đến chết. Còn Tống Thị, với tang vật rõ ràng không thể chối cãi nên đã bị chém và bêu đầu giữa chợ. Theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Hiền, triều đình đã tịch thu gia sản to lớn của Tống Thị rồi mang phân phát cho quân và dân trong vùng. Âu đó cũng là điều hợp quy luật của cuộc đời, đó là cái gì vốn không phải của Tống Thị thì người đàn bà ấy có mưu mô, xảo quyệt đến mấy cũng chẳng bao giờ có được điều muốn có, mà ngược lại còn mang họa vào thân.

Tiếc rằng, một người phụ nữ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, xuất thân trong một gia đình quyền quý, giàu sang nhưng lại có một tâm địa cực kỳ nham hiểm và độc ác. Thế mới hay rằng, những gia đình có giáo dục đàng hoàng chưa hẳn đã có được những đứa con tử tế nhưng những đứa con tử tế bao giờ cũng là sản phẩm của một quá trình giáo dục đàng hoàng. Và mong rằng giai thoại về người đàn bà họ Tống trên đây sẽ là bài học hữu ích cho các bậc làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục con em mình. Tuy nhiên, muốn con em mình trở thành người tốt thì trước hết người lớn phải là tấm gương về mọi mặt.

ND

  • Từ khóa
109756

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu