Thứ 6, 19/04/2024 00:41:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:29, 02/03/2015 GMT+7

Về Suối Đôi vui xuân cùng đồng bào Tày, Nùng

Thứ 2, 02/03/2015 | 08:29:00 288 lượt xem
BP - Xuân về, người Tày, Nùng ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) lại tưng bừng mở hội vui xuân. Không chỉ là sân chơi giải trí lành mạnh với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc như: tung còn, đánh cù, lày cỏ, kéo co, nhảy bao bố, giao lưu văn nghệ, hái lộc đầu năm… ngày hội còn mang nhiều ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

“Với người Tày, Nùng định cư trên vùng đất mới cách quê hương cũ hơn 2.000km đến hội xuân như được trở về nguồn cội. Già trẻ, gái trai đều rộn ràng tham gia ngày hội với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, công việc suôn sẻ, gia đình mạnh khỏe, bình an” - ông Lục Thượng Hằng, người có uy tín trong đồng bào ở ấp Suối Đôi chia sẻ.

KHÔI PHỤC LỄ HỘI

Bà Đàm Thị Yến (1950) là một trong những người Tày đầu tiên đến lập nghiệp ở ấp Suối Đôi. Bà Yến kể: “Thời gian đầu, hầu hết kinh tế các hộ trong ấp đều khó khăn. Quanh năm đầu tắt mặt tối làm lụng chỉ để lo cái ăn, cái mặc nên không có điều kiện cho cuộc sống tinh thần. Bây giờ, đời sống ổn định, chúng tôi đang khôi phục lại một số phong tục tập quán, lễ nghi của người Tày, Nùng để con cháu nhớ về tổ tiên. Từ 27-28 tết, các gia đình đã dọn nhà cửa, làm thịt heo, gói bánh chưng, bánh khảo, chè lam... chuẩn bị đón tết. Theo bà Yến, đêm giao thừa không thể thiếu mâm cơm cúng tổ tiên. Người Tày, Nùng cũng ăn tết trong 3 ngày và đi thăm hỏi, chúc tết người thân, hàng xóm.

Đánh cù (bông dụ) hấp dẫn ở sự khéo léo của người chơi khi giật dây thả con cù xuống quay tròn

6 giờ sáng mồng 3 tết, hàng trăm người dân nô nức kéo về nhà văn hóa ấp Suối Đôi để tham gia hội xuân. Giữa sân, cây tre cao 20m chọn làm cột tung còn đã được dựng lên, những sợi rua bằng vải màu sặc sỡ cột trên ngọn cây bay phấp phới trong gió. Đúng 7 giờ, hội xuân bắt đầu trong tiếng vỗ tay, hò reo vang dội của mọi người. Trên khoảng đất rộng trước nhà văn hóa, 8 đội chơi đến từ các ấp Suối Đôi, Suối Binh, ấp 4 (xã Đồng Tiến) và ấp Phước Tâm (xã Tân Phước) đã chuẩn bị sẵn sàng. Thi đấu theo hình thức loại trực tiếp, các đội tranh tài ở 6 nội dung, gồm: tung còn, đánh cù, lày cỏ, kéo co, nhảy bao bố, văn nghệ, hái lộc đầu năm.

Quả còn được khâu bằng vải màu sặc sỡ, nhồi thóc hoặc cát, phía đuôi nối bằng tua rua. Ném xuyên thủng vòng tròn trên đỉnh cây còn, người chơi ghi điểm tuyệt đối cho đội mình. Nếu hội tung còn là dịp nam thanh nữ tú gặp mặt, trao duyên thì người già, thanh niên, trẻ nhỏ tham gia với mục đích vui chơi, giải trí.

Khu vực thi đánh cù và lày cỏ thu hút đông nam giới. Mỗi người sở hữu bộ cù gồm sợi dây dài khoảng 2m và con cù đẽo hình thoi bằng gỗ tốt, cứng, nặng. Trò chơi hấp dẫn ở sự khéo léo của người chơi khi giật dây thả con cù xuống quay tròn và phát ra âm thanh rất vui tai. Con cù của đội nào quay lâu hơn thì giành chiến thắng.

Nói là thi đấu nhưng không ai chơi lày cỏ suông. Trọng tài vừa ghi điểm cho đội thắng vừa rót rượu phạt người thua phải uống hết. Cách chơi lày cỏ của người Tày, Nùng gần giống như oẳn tù tì của người Kinh. Khi chơi, họ cùng đồng thanh hô một con số. Số nào là do mình chọn, miễn sao cộng các ngón tay hai người vừa đúng với số hô.

ĐIỆU THEN VANG MÃI

Cuộc sống của người dân ấp Suối Đôi đã có nhiều đổi thay. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát. Ít ai nghĩ rằng, đây là nơi sinh sống của hơn 90% đồng bào Tày, Nùng đã có thời kỳ kinh tế rất khó khăn. Giờ đây, không chỉ đơn thuần dựa vào trồng cây bắp, lúa mà người dân trong ấp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những cây - con giống cho thu nhập cao.

Hòa trong không khí hội xuân là hình ảnh của các cô gái, chàng trai Tày, Nùng trong trang phục dân tộc, tay cầm đàn tính cất lên những câu hát then làm say lòng người. Với họ, then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng. Bà Lục Thị Đàm là người khởi xướng việc truyền dạy hát then ở ấp Suối Đôi nói: “Ngay từ nhỏ tôi đã yêu thích đàn tính, điệu then ngọt ngào. Định cư trên vùng đất mới, do cuộc sống mưu sinh vất vả, tôi ít có dịp hát cho con cháu nghe. Giờ cuộc sống ổn định, cùng với việc khôi phục lễ hội truyền thống, tôi quyết định thành lập câu lạc bộ hát then, đàn tính”.

Được nhiều người ủng hộ, bà Đàm tập hợp thanh niên trong ấp vào ngày cuối tuần hoặc những lúc nông nhàn để dạy đàn, tập hát. Những người già, trung niên yêu thích cũng tranh thủ đến ôn luyện và chỉ bảo cho người trẻ. Thời gian đầu, các thành viên góp tiền rồi gửi về tận Cao Bằng để mua đàn. Thấy vất vả, tốn kém, cánh đàn ông trung niên tập trung lại kiếm vật dụng cần thiết, theo trí nhớ ngày trẻ ở quê mà làm nên những cây đàn tính. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 20 hội viên sinh hoạt thường xuyên. Nhờ đó, các lễ hội của đồng bào ấp Suối Đôi luôn ngập tràn trong điệu then, đàn tính. Không chỉ phục vụ cho sinh hoạt tại cộng đồng, câu lạc bộ còn chủ lực trong hoạt động văn hóa, văn nghệ của huyện Đồng Phú.

Thanh Thủy

  • Từ khóa
91089

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu