Thứ 3, 23/04/2024 21:28:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:32, 30/01/2015 GMT+7

Về quê làm giàu

Thứ 6, 30/01/2015 | 09:32:00 184 lượt xem
BP - Trong khi một số thanh niên tỉnh lẻ tìm cách bám trụ lại thành phố lớn thì các anh Ngô Việt Bách và Đinh Công Quân đã tìm một lối đi riêng, đó là về quê làm giàu. Bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng các anh đã vượt qua, khẳng định hướng đi của mình là đúng đắn. Họ trở thành gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu ở huyện Bù Đăng.


 

Anh Ngô Việt Bách trang trí sân khấu, cắm hoa cho một đám cưới ở xã Phước Sơn 

Đại học không phải là con đường duy nhất

Sinh ra trong gia đình có nghề nấu ăn, ngay từ nhỏ anh Ngô Việt Bách (1994) thôn Sơn Lợi, xã Thọ Sơn đã có niềm đam mê ẩm thực. Anh chia sẻ, suy nghĩ rất nhiều rồi quyết định không thi đại học như nhiều bạn bè. Nghề mà anh chọn theo đuổi chính là chế biến món ăn. Sau 3 tháng học nghề tại Nhà văn hóa phụ nữ TP. Hồ Chí Minh với giấy chứng nhận loại giỏi, anh Bách làm phụ bếp cho một số nhà hàng, cơ sở nấu ăn. Tại đây, anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm và cũng gặp không ít khó khăn. Đó là sinh hoạt phí đắt đỏ, công việc không ổn định, cạnh tranh gay gắt nên anh về quê lập nghiệp.

Nắm bắt nhu cầu của người dân, anh cùng cha mẹ mở rộng quán ăn nhỏ của gia đình thành dịch vụ nấu ăn Tùng Bách. Với các dịch vụ trọn gói như: nấu ăn, cho thuê bàn ghế, rạp cưới, cổng hoa, thiết kế, trang trí đám, tiệc... nên công việc của anh ngày càng đắt khách. Trung bình mỗi tháng anh nhận được khoảng 10 hợp đồng, vào mùa cưới thì số lượng tăng gấp đôi. Kinh doanh thuận lợi, anh mở rộng thị trường sang các xã giáp huyện Bù Đăng của tỉnh Đắk Nông. “Tôi hài lòng với công việc mình đã chọn, bởi nghề nấu ăn cũng phải học hỏi, rèn luyện chăm chỉ, sáng tạo không ngừng mới có thể làm hài lòng thực khách” - anh Bách chia sẻ.

Là Phó bí thư chi đoàn thôn Sơn Lợi, anh Bách luôn trăn trở khi thấy nhiều thanh niên thiếu việc làm. Vì vậy, mỗi đám tiệc anh đều thuê họ và trả 200 ngàn đồng/người/ngày công. Hiện anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động. Vào mùa cưới sẽ dao động từ 25-30 lao động. Anh La Trung Hiếu (1990), nghỉ học sớm để phụ cha mẹ trông nom vườn rẫy, vẫn tranh thủ làm thêm ở dịch vụ nấu ăn Tùng Bách. Anh Hiếu cho biết: Các sự kiện thường tổ chức vào cuối tuần. Công việc không quá vất vả, chủ yếu là dựng rạp, sân khấu, phục vụ bưng bê nên tôi làm được.

Dám nghĩ, dám làm

Học xong THPT, năm 2003, anh Đinh Công Quân (1983) đăng ký học nghề cơ khí ở TP. Hồ Chí Minh với mong muốn tìm cơ hội đổi đời nơi thành thị. Ra trường, ước mơ bám trụ thành phố không thành. Năm 2005, anh trở về nhà ở khu phố Đức Hòa, thị trấn Đức Phong, phụ cha mẹ làm vườn. Anh Quân nhận thấy nhu cầu nước tưới cho các vườn cây công nghiệp, ăn trái ở quê là rất lớn. Tuy nhiên đa số các hộ đều chưa có giếng. Nghĩ rồi anh mạnh dạn vay tiền đầu tư mua máy khoan giếng trị giá hơn 100 triệu đồng.


Anh Đinh Công Quân hướng dẫn thợ cách khoan giếng 

Thời gian đầu, anh Quân chấp nhận bỏ tiền thuê thợ lành nghề về đứng máy, còn mình phụ và học việc. Sau gần 1 năm, anh đã thành thục các bước và trở thành thợ khoan giếng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nghề này cũng có nhiều rủi ro. Anh Quân chia sẻ: “Nếu khoan xuống đất gặp đá, mũi khoan có thể bị gãy, phải thay rất tốn kém. Có trường hợp khoan sâu đến 100m nhưng không có nước, phải chịu 50% chi phí thiệt hại... Làm nhiều sẽ quen và hạn chế được rủi ro, điều quan trọng nhất là phải kiên trì với nghề. Tôi luôn tự nhắc bản thân cẩn thận, phải quan sát kỹ”.

Khi công việc ổn định, có tiền lời anh trả hết nợ và mua thêm 1 máy khoan cũ với giá 80 triệu đồng. Để mở rộng quy mô, anh liên kết cùng một người bạn thân đầu tư thêm 2 máy và thành lập cơ sở khoan giếng Duẩn Cương tại xã Thọ Sơn. Anh Quân phụ trách kỹ thuật, máy móc, còn bạn anh tìm kiếm thị trường. Nhờ phối hợp ăn ý nên cơ sở của anh ngày càng uy tín, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, hiện đạt mức trên 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Quân còn dạy nghề miễn phí và tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Anh Điểu Dũng (1992) khoan giếng gần 8 năm luôn coi Quân như người thầy. Hiện anh Dũng đã làm thợ chính phụ trách một máy. Anh Dũng chia sẻ: “Nhờ anh Quân mà mình biết nghề khoan giếng. Giờ mình có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định”.

Thanh Thủy

  • Từ khóa
50795

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu