Thứ 6, 29/03/2024 05:47:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:47, 19/02/2015 GMT+7

Về Phước Long, nhớ hồ câu Ông Nhớ!

Thứ 5, 19/02/2015 | 10:47:00 2,319 lượt xem
BP - Trong chuyến công tác Phước Long, biết tôi có ý định đến hồ câu Ông Nhớ, người bạn đi cùng có vẻ hồ nghi về sự tồn tại của nó. Nhắc đến hồ câu Ông Nhớ ở khu phố 5, phường Sơn Giang (TX. Phước Long) bạn tôi ngậm ngùi: Những năm 2006-2008, ở thị xã này không có tụ điểm giải trí nào đông khách như nơi đó. Không chỉ dân địa phương mà còn có khách ở các tỉnh Bình Dương hay thành phố Hồ Chí Minh tìm đến. Từ điểm cáp treo Bà Rá, theo chân núi đi chừng 300m sẽ thấy bảng hồ câu Ông Nhớ, cũ kỹ và hoen ố. Tuy nhiên, dừng xe và bước bộ thêm một đoạn rồi đi dọc hồ câu, tôi mới thấy được sức hút của một cảnh quan tự nhiên mà như bạn tôi nói, nó đã “một thời vang bóng”.

Ông Nhớ tự hái những bông súng tại hồ câu để phục vụ bữa ăn cho khách

40 cây vàng làm hồ câu

Rất may mắn khi tôi gặp ông Nguyễn Văn Nhớ tại hồ câu. Ông nói: Thời thế nên tôi đã cho người khác thuê lại hồ câu này. Tuy mới hoạt động lại 3 tháng nhưng khách đã tìm đến giải trí, đông nhất là vào các ngày lễ hoặc ngày cuối tuần. Trong câu chuyện với ông Nhớ, tôi biết được rằng năm 1995, khi quyết tâm đầu tư khoảnh đất gần 1 ha này để làm hồ câu, ông Nhớ chỉ để thỏa cái thú đi câu của mình. “Hồi đó kinh tế tôi khá giả, muốn làm cái hồ câu để bạn bè cuối tuần tụ họp, câu cá giải trí và hàn huyên. Nào ngờ, khi mở ra thì người ta ào ào kéo đến nên tôi mới đầu tư cần, mướn người phục vụ các dịch vụ ăn theo”.

Để có một hồ câu hút khách, ông Nhớ đã bỏ 40 cây vàng để đầu tư, biến một vùng hoang tàn chỉ toàn đá thành hồ. Ông Nhớ kể: “Khi tôi ký hợp đồng trồng rừng ở mảnh đất này thì nó chỉ toàn đá. Trước đó, chỗ này người ta khai thác đá để xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Mơ. Ngày nhận đất thấy địa thế đẹp, thích quá nên tôi thuê xe múc đất, xếp đá xung quanh và ngăn dòng nước, thả cá, tạo thành hồ như hôm nay”. Nhớ lại thời hoàng kim của hồ câu, ông Nhớ cho biết: Lúc đó, tôi có 10 nhân viên, vào các ngày lễ, nghỉ phục vụ khách không kịp. Hồ câu đắt khách vì có cảnh quan tự nhiên đẹp và thời điểm đó thị xã Phước Long không có nhiều tụ điểm giải trí như bây giờ.

Bên cạnh câu cá và được phục vụ món ăn tươi sống tại chỗ, khách đến với hồ câu Ông Nhớ còn có thể du ngoạn trên mặt hồ với trò chơi đạp vịt, nghe chim hót, thấy cuốc rủ nhau bay từng đàn hay ngắm khỉ chuyền cành. Từ bên này hồ đến bên kia hồ chỉ hơn 30m nhưng một bên bờ hồ được những tảng đá lớn ngăn làm bờ, bên kia là vách đá dựng đứng cheo leo xen giữa những cây tràm vàng, bằng lăng soi mình dưới nước với từng chùm hoa vàng, tím.

Về đâu một cảnh quan thiên nhiên?

Sau nhiều chuyến công tác ở Bình Phước và bén duyên với người bạn đời ở thị xã Phước Long, anh Nguyễn Quang Trung, người thuê lại hồ câu ông Nhớ cho rằng cũng vì quá mê khung cảnh thơ mộng ở vùng này và muốn bảo tồn cảnh quan ở hồ câu mà anh từ giã cuộc sống nhộn nhịp cùng gia đình từ thành phố Hồ Chí Minh về đây sống. Cuộc sống nơi triền núi thanh bình, yên ả và nhẹ tênh khi hàng ngày đôi vợ chồng trẻ cùng nhau mở lại dịch vụ câu cá và ẩm thực tại chỗ. Anh Trung cho biết: Vào mùa mưa, thức ăn cho cá là những con giun, mối, kiến theo dòng nước trên núi chảy xuống nên thịt cá chắc và ngọt hơn mùa khô. Hiện hồ có cá chép, mè, rô phi, thác lác. Đặc biệt, nếu khách muốn có thể tham gia mò ốc núi, bắt chem chép hay trai để chế biến thành những món ăn yêu thích.

Hồ câu ông Nhớ hiện còn là nơi nhiều cặp uyên ương chọn làm điểm chụp hình ngoại cảnh, quay phim. Là nơi mà tâm trạng khách vui hay buồn cũng có thể tìm đến. Không khí mát mẻ, không gian yên tĩnh là nơi thích hợp để khách nhâm nhi một ly cà phê, nghe chim hót và thấy lòng lắng lại. Nếu muốn vui tươi hơn, khách có thể cùng bạn bè tổ chức câu cá có thưởng, sau đó nhờ chủ quán chế biến món ăn từ chính sản phẩm mình câu được. Vợ anh Nguyễn Quang Trung - chị Trần Thị Mỹ Xuyên cũng là đầu bếp chính của quán cho biết: Vào những ngày mưa, khách thích nhất món lẩu cua đồng được bắt từ hồ. Cua ở đây chắc thịt, gạch vàng ươm nên ăn rất ngọt và béo. Dịch vụ của quán cũng rất bình dân, nếu câu cá tính giờ thì 20 ngàn đồng/giờ, tính buổi thì 50 ngàn/buổi, các món xào, lẩu trung bình từ 100-150 ngàn/món, tùy yêu cầu của khách. Dịp lễ, tết, 10 chòi câu của quán chật khách, vợ chồng chị Xuyên phục vụ luôn tay nhưng thấy vui.

Ông Nguyễn Văn Nhớ cho biết: Theo hợp đồng trồng rừng thì ông còn 10 năm nữa để tới lui nơi đây và thỏa chí câu cá. Nghĩ xa hơn, ông Nhớ ngậm ngùi cho biết rất tiếc nếu trong tương lai hồ câu không còn nữa. Điều đó cũng có nghĩa là không chỉ ông và nhiều người mất đi một nơi câu cá giải trí lành mạnh mà thị xã Phước Long sẽ không còn một cảnh quan tự nhiên đẹp. Với anh Trung, việc tiếp tục đầu tư và biến hồ câu ông Nhớ thành một điểm giải trí hay nơi nghỉ dưỡng cũng có nhiều băn khoăn vì mảnh đất này đang nằm trong quy hoạch. Bởi vậy, nguyện vọng của vợ chồng anh là còn sinh sống tại hồ câu ngày nào là còn ra sức giữ gìn cảnh quan tại đây ngày đó.

Vừa ngậm ngùi theo những tâm sự, ông Nhớ dắt tôi đi vòng quanh hồ để giới thiệu cảnh quan. Bất chợt, ông xắn quần lội xuống hồ và hái vài  bông súng. Ông mời tôi cùng thưởng thức “đặc sản” của hồ câu. Buổi trưa, lúc trời đứng ngọn sào, tôi và ông cùng vợ chồng anh Trung đã đỏ mặt vì uống rượu ngâm nấm linh chi được lấy từ những gốc cây trên núi. Tôi gắp cọng bông súng, bông điên điển vừa nhúng vào nồi lẩu mắm đang sôi đưa lên miệng... để cảm nhận cảm giác “đất trời đang dần tan chảy trong miệng” như lời ông Nhớ. Món lẩu cua đồng ngọt lịm của chị Xuyên khiến ai cũng ngây ngất bởi vị béo của gạch cua. Hơn thế, vị đậu rồng ngai ngái, cắn một miếng nghe sần sật và từ từ giòn tan trong miệng. Tất cả những hương vị và cảm giác đó, ai ghé đến đều tận hưởng được. Trong cơn chếnh choáng, ông Nhớ hỏi tôi: Nếu khu này bị quy hoạch thì trong tương lai có còn ai nhớ đến hồ câu ông Nhớ?       

 Phương Dung

 

  • Từ khóa
89572

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu