Thứ 6, 19/04/2024 21:41:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:34, 23/04/2015 GMT+7

Về nguồn Tà Thiết và cảm xúc của tuổi trẻ

Thứ 5, 23/04/2015 | 08:34:00 2,191 lượt xem
BP - Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết không xa lạ gì với chúng tôi. Trên chuyến xe, chúng tôi - những thế hệ của ngày hôm nay đến với Tà Thiết để làm lễ trưởng thành đoàn. Với chúng tôi, thế hệ sinh ra đã được hưởng cuộc sống an bình, không những có cơm no áo ấm mà còn được ăn ngon, mặc đẹp thì ít ai tưởng tượng được những khó khăn gian khổ của các thế hệ cha anh đi trước. Đồng chí Phó bí thư chi bộ Lê Tiến Thuận căn dặn: “Tuổi trẻ phải cống hiến, phải biết phấn đấu để làm tròn nhiệm vụ với đất nước, với các lớp cha anh đi trước”. Điều đó làm chúng tôi suy nghĩ.


Chi đoàn Báo Bình Phước làm lễ trưởng thành đoàn cho các đồng chí bên ngôi nhà thượng tướng Trần Văn Trà

Tuổi trẻ của nữ tướng Nguyễn Thị Định

Đứng giữa đại ngàn, dang đôi tay thấy thật bát ngát, thật nhỏ bé với rừng xanh. Căn cứ Bộ chỉ huy Miền nằm giữa rừng, đường vào khúc khuỷu, đoàn viên chúng tôi phải đi bộ theo từng đoạn. Đôi lúc có người than đau chân, hỏi làm sao các thế hệ cha anh có thể đi được trên những con đường rừng núi như thế này. Anh Trường, người hướng dẫn chúng tôi tham quan chỉ nhìn và cười. Ban đầu anh dẫn chúng tôi đến phòng trưng bày của khu di tích để quan sát các mô hình nhằm hiểu sơ bộ tổng thể. Anh giảng giải cho chúng tôi nghe về Bộ chỉ huy Miền, về những khó khăn các thế hệ đi trước phải trải qua. Anh Trường lại kể cho chúng tôi nghe về quá trình làm căn cứ với một hệ thống hào rộng lớn, căn cứ Bộ chỉ huy Miền thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời của quân và dân ta. Chúng tôi như được quay ngược thời gian về với những năm 60 của thế kỷ trước, được thấy Đại đội C23 (xây dựng căn cứ) đào đường thông hào trong hệ thống rộng hơn 12.000 ha. Được thấy anh bộ đội Cụ Hồ đi hái từng chiếc lá trung quân về lợp mái cho căn cứ...

Với lứa tuổi 16, chúng tôi được đến trường, được yêu thương trong vòng tay cha mẹ. Thế nhưng, cô Ba Định lại không được như vậy. 16 tuổi cô tham gia kháng chiến, sau đó trở thành nữ tướng duy nhất trên thế giới vào thời ấy. Đến nơi cô Ba Định từng sinh sống, làm việc trong căn cứ, được anh Trường kể lại những chiến tích của cô và các đồng chí đồng đội, chúng tôi như được sống lại cùng cô, được cô khâu lại từng chiếc áo mà khi đi hành quân bị rách. Được cô quan tâm chăm sóc khi đau bệnh. Cô là nữ tướng hy sinh cả đời mình cho cách mạng, rất xứng đáng để thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay và mai sau tôn vinh.

Bức thư gửi thế hệ những người đang sống

Quay lại nhà của thượng tướng Trần Văn Trà, chúng tôi chìm đắm trong giọng kể của anh Trường, được nghe về chiến dịch Dầu Tiếng - Trảng Bàng. Chúng tôi được nghe câu chuyện về 3 chiếc võng dù cùng cột chung đầu vào một thân cây, trong đó là 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ quân giải phóng. Cạnh mỗi bộ hài cốt là một khẩu AK hoen gỉ, một đôi dép cao su. Những bí ẩn về sự hy sinh của 3 chiến sĩ giải phóng quân nhanh chóng được “giải mã” bởi bức thư được gói kỹ trong túi ni-lon và được cột chặt ở đầu võng. Những dòng chữ viết run rẩy, nguệch ngoạc vì bị thương, đói, khát, nhưng với ý tứ, câu từ rất sáng rõ. Anh Trường cho biết nội dung bức thư có đoạn: “Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn... Xin cho chúng tôi gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ, công bằng”.

3 chiến sĩ anh dũng ấy là Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam.

Nghe đến đây, ai trong chúng tôi cũng bùi ngùi. Nghĩ đến lời nói của đồng chí Phó bí thư chi bộ, các đoàn viên chúng tôi chợt nhận ra những giá trị cực kỳ quan trọng của cuộc sống. Ngày 20-4-1995, thượng tướng Trần Văn Trà đề nghị dựng lại di tích Tà Thiết, phục hồi theo nguyên trạng... nhằm giới thiệu truyền thống đấu tranh của cha anh đi trước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Nhưng tròn 1 năm sau, ngày 20-4-1996, thượng tướng qua đời.

Điều đọng lại lớn nhất đối với tôi trong buổi về nguồn là suy nghĩ tuổi trẻ hôm nay cần nỗ lực thật nhiều, học tập các thế hệ cha anh đi trước để xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của cha ông và cô Ba Định, tướng Trần Văn Trà, những chiến sĩ Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí, Trần Viết Dũng...        

Tiến Quang

  • Từ khóa
81537

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu