Thứ 5, 25/04/2024 21:48:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:39, 11/03/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Về người quản lý di sản

Thứ 4, 11/03/2015 | 14:39:00 2,839 lượt xem

BP - Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 640 trong Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về quyền của người quản lý di sản như sau: Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế. Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 641 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi cũng có quy định tương tự như trên về quyền của người quản lý di sản. Quy định trên đây là cơ sở pháp lý để khi giải quyết tranh chấp, tòa án trích từ khối di sản một khoản tiền hoặc một vật trả công (thù lao) cho người quản lý di sản. Tuy nhiên, nếu người quản lý di sản và những người thừa kế không thỏa thuận được việc trả thù lao, thì vấn đề này được giải quyết như thế nào lại không được Bộ luật Dân sự hiện hành và cũng như dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đặt ra. Chính vì thế, khi giải quyết tranh chấp về vấn đề này trong từng vụ việc cụ thể, người quản lý di sản được hưởng ở mức nào là phụ thuộc vào quyết định của hội đồng xét xử, có nghĩa là tòa án các cấp tính mức thù lao không theo một “lượng” thống nhất. Thậm chí có thể tòa không xác định, không trích khoản để trả thù lao thì người quản lý di sản cũng đành phải chịu thua.

Về vấn đề này, hiện cũng có ý kiến cho rằng thực tế đó, việc dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi không quy định trả thù lao cho người quản lý di sản là do: Thứ nhất là nếu không có thỏa thuận trước về việc trả thù lao cho người quản lý di sản, thì người quản lý không được hưởng một khoản thù lao trích từ khối di sản là hợp lý. Thứ hai là mặc dù không thoả thuận trước về khoản tiền thù lao, nhưng nếu người quản lý di sản chỉ trông giữ, bảo quản mà không khai thác lợi ích thì các thừa kế buộc phải trả thù lao cho họ. Trong trường hợp người quản lý di sản đồng thời là người chiếm hữu sử dụng và được hưởng hoa lợi hay lợi tức từ di sản (hoa trái trong vườn, dùng nhà để ở hoặc cho thuê...) thì tuyệt nhiên không được trả thù lao.

Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi thì trong mọi trường hợp, người được hưởng di sản đều phải trả thù lao cho người quản lý di sản. Vì khi người quản lý di sản đã bỏ công sức để duy trì, bảo quản di sản và thực hiện tốt những nghĩa vụ mà pháp luật quy định thì phải trích phần di sản để thanh toán công duy trì, bảo quản di sản bất kể có thỏa thuận trước hay không, hoặc việc quản lý diễn ra dài hay ngắn và người quản lý di sản có được hưởng hoa lợi hay lợi tức từ việc quản lý di sản đó hay không. Lý do để tôi có ý kiến là vì căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, khi thực hiện nghĩa vụ quản lý di sản thì người quản lý di sản đương nhiên phải được hưởng những quyền nhất định, trong đó có quyền được hưởng thù lao. Và thực tế cho thấy, nếu người quản lý di sản thực hiện tốt các nghĩa vụ thì phải coi đó là những nghĩa vụ pháp lý, một loại nghĩa vụ từ lao động có ích để duy trì và bảo tồn di sản, tránh được sự mất mát, hư hỏng, mai một. Hơn nữa, công sức họ bỏ ra đó là cơ sở cho việc người thừa kế phải trả thù lao cho việc quản lý di sản của họ.

Để việc trích một phần di sản trả thù lao cho người quản lý di sản được thống nhất và công bằng, theo chúng tôi nên căn cứ vào thời gian quản lý di sản dài hay ngắn để ấn định một tỷ lệ hợp lý. Và từ thực tế cuộc sống, tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về khoản thù lao cho người quản lý di sản theo tinh thần: Trả công để bù đắp vào công sức lao động bỏ ra theo thời gian, thời gian càng dài thì thù lao càng lớn, khoản thù lao nhiều hay ít phải tính đến giá trị di sản được quản lý. Cụ thể: Sửa lại Điểm b, Khoản 1, Điều 640 của Bộ luật Dân sự hiện hành như sau: Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế  hoặc theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trong thời gian quản lý di sản, có những loại di sản cần phải có biện pháp bảo quản riêng như cần phải chi phí mua bao bì, làm mái che, kho bãi... và người quản lý di sản phải bỏ chi phí để sửa chữa, bảo quản di sản thì có quyền yêu cầu người thừa kế thanh toán chi phí cần thiết đó. Và đây cũng là nội dung chưa được đề cập trong dự thảo, vì vậy tôi đề nghị cần bổ sung vào Khoản 1, Điều 640 của Bộ luật Dân sự hiện hành như sau: Được yêu cầu người thừa kế thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản di sản.

Như Hoa

  • Từ khóa
12677

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu