Thứ 5, 28/03/2024 22:06:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:30, 11/02/2017 GMT+7

Vẻ đẹp trên dòng Lấp

Thứ 7, 11/02/2017 | 08:30:00 1,121 lượt xem
BP - Dòng Lấp cũng như một số dòng sông khác chảy từ cao nguyên về đến Bình Phước đã hạ nguồn, mang theo lượng lớn phù sa bồi đắp đôi bờ. Từ sự phì nhiêu của sông dành cho đất, người dân sinh sống ven sông đã dệt hai bên bờ những mùa xanh gối vụ. Nếu một ngày qua trung tâm xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, mời bạn rẽ hướng đi Bình Minh khoảng 3km dừng chân trên cầu sông Lấp. Ở đó bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp trữ tình không chỉ của dòng sông mà còn của những người dân lao động nơi đây.

NHỊP ĐẬP NHỮNG CÁNH CÒ

Về Minh Hưng ngày cận năm mới, những cơn mưa vừa dứt, nước sông đang ở mức cao. Trên cầu Sông Lấp, xa xa là mây, trời một màu, hòa hợp sông, núi. Phía đôi bờ, màu xanh nõn của bắp, mì, mướp, bí, khổ qua... tựa chiếc khăn voan cô sơn nữ Bù Đăng vô tình buông theo dáng Lấp. Lên cao, lớp lớp xanh thắm của hàng trăm héc ta cao su, cà phê, điều cùng cây ăn trái càng tôn cho màu xanh non ấy sự thiết tha, nghĩa tình... Muốn ngược dòng Lấp, tôi tìm đến gia đình anh Phạm Văn Nghị ở thôn 6, xã Minh Hưng, sống nghề sông nước, xin theo thuyền về hướng Thọ Sơn.

Vẻ đẹp trên dòng sông lấp

Thuyền ra giữa dòng, màu xanh mùa vụ xuất hiện sau những làn nước dài. Bên bờ loáng thoáng hai phụ nữ S’tiêng chặt mì, hái ngọn bí. Anh Nghị với giọng chào, chị Điểu Thị Rưy (thôn Bom Bo, xã Bình Minh) ới lại: “Vào thu mì hổng?”. Nghe cách chào hỏi tự nhiên giữa mọi người, tôi biết hơi thở cuộc sống rộn rã hai bên dòng Lấp đã nhiều năm... Thuyền về cuối xã, những mảnh đất bán ngập dần nhô cao ra, cao hơn mực nước sông 2m ôm bao giàn khổ qua trĩu trái vào lòng. Điểu Mon, người bốc vác thuê cho anh Nghị đến từ thôn Bom Bo, xã Bình Minh chỉ từng mảnh đất bán ngập cho biết mỗi năm nông dân trồng hoa màu từ 9 đến 11 tháng, những tháng còn lại đất nằm dưới nước sông. Ở đây, rẫy nhà ai có đất bán ngập nhà đó trồng, không tranh chấp, giành giật. Điều quan trọng nhất, công việc này giúp các hộ vừa trông nom vườn rẫy vừa có thêm thu nhập mà không phải đi làm thuê xa.

Thuyền đang đi bỗng mọi người ồ lên, chỉ về phía trước. Chỗ vườn mì đã cho thu, trên thân cây khô cao 6-7m “nở” đầy cò trắng. Thuyền tới gần, đàn cò thấy động bay vút lên. Chúng bay ra giữa dòng, sải cánh trên nền nước lóng lánh. Thuyền chúng tôi gặp thêm những đàn cò khác, có khi chúng bay đi, có khi chúng rỉa cánh êm đềm. Anh Nghị cho biết những lớp cỏ và nhiều bó thân mì ngập trong nước đã tạo nơi trú ẩn, tìm thức ăn lý tưởng cho các loại cá nhỏ và cò trắng tìm về thưởng thức cá trên “chiếc bánh” khổng lồ đất bán ngập. Chính vì người dân nơi đây không bắn, thả bẫy cò đã tạo chốn yên bình cho cò tìm về sinh sống lâu dài.

VẺ ĐẸP CỦA NHỮNG GIỌT MỒ HÔI

Bù Đăng nổi tiếng là huyện chuyên canh điều của Bình Phước. Đã hàng chục năm loại cây này mang về cho người dân cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, họ vẫn tranh thủ lúc điều còn non trái, tiêu và cà phê chuẩn bị cho thu rộ, xuống thuyền ngược dòng Lấp. Bởi hàng trăm vạt cây ngắn ngày trồng ven sông đang “khát” người chặt hái, bốc vác, vận chuyển thuê... Lên thuyền cùng chúng tôi có 3 người đàn ông S’tiêng đến từ thôn Bom Bo. Họ mặc quần áo lao động, đi giày cao cổ và gương mặt cháy nắng. Nhìn sự chuẩn bị chỉn chu của các anh, bạn tôi háo hức làm quen. Lát sau trở lại, anh bạn tôi phấn khích nói: “Họ có vườn rẫy đấy, người ít cũng 8 sào”.

13 giờ, các Điểu Mon, Điểu Thái - người bốc mì thuê cho anh Nghị -ở thôn Bom Bo lót dạ bằng củ mì

Xuống thuyền khi mặt trời vừa ló dạng, anh Nghị lái thuyền đi khảo giá mì (cách làm này giúp mua được nhiều vườn mì và tiết kiệm sức lao động). Khoảng 8 giờ, mọi người bắt đầu bốc vác mì xuống thuyền. Nắng đã lên, hơi nóng gắt từ mặt sông bốc lên. Chủ thuyền hướng dẫn người làm thuê bốc từ vườn rộng đến vườn nhỏ. Khi trời chuyển trưa, ai cũng thấm mệt và đói, những vườn mì mênh mông 200 bao tải loại 50kg nhường chỗ cho những vườn 60-70 bao...

12 giờ, nắng rát trên đầu, các bao tải bắt đầu trở nặng. Đôi chân những người bốc vác thuê không còn phăng phăng trong cỏ mà lặng tìm về lối cỏ đã bị chủ vườn giẫm rạp nửa thân. Những tấm lưng đẫm mồ hôi, vai áo oằn lên vác mì, khuôn mặt ửng gắt thay cho màu đen sạm ban đầu. Các anh vẫn cẩn thận thả từng bao tải củ mì xuống bụng thuyền theo thứ tự để thuyền chứa được nhiều và không bị lật...

13 giờ, công việc bốc vác đã xong, thuyền rời xã Đoàn Kết. Ngồi xuống nghỉ ngơi, các anh mở hộp nhựa đựng củ mì luộc ra chấm đường. Tôi lo lắng “Ăn củ mì lúc đói không sợ say?”. Mọi người nhìn tôi cười “đã ăn quen”. “Hơn nữa, vợ và các con dậy từ 4 giờ sáng nấu cơm cho ăn rồi, bụng chỉ mới đói thôi” - Điểu Mon tếu táo những lời thật lòng. Nói xong, anh vội bước ra sau thay anh Nghị lái thuyền, giấu nụ cười hạnh phúc dưới nắng sông. 1 tạ mì bốc thuê được 10 ngàn đồng, một ngày chở 1 chuyến 9-12 tấn được 300-400 ngàn đồng/người. Số tiền không nhiều nhưng Điểu Mon cho biết: “Thuyền về tới bến mới 14 giờ, chúng tôi còn 3 tiếng đồng hồ về nhà thăm vườn rẫy”.

Thuyền về đến ngã ba lớn, bạt ngàn lớp sóng nối nhau, hàng trăm con cò trắng sải cánh giữa dòng. “Miền Tây ở Bình Phước!” - tôi lặng lẽ quan sát gương mặt những người trên thuyền thấy trong ánh nhìn của ai cũng tràn lên niềm tự hào trước vẻ đẹp dòng Lấp... Với tôi - một vị khách lạ - vẻ đẹp dòng sông còn hiện ra thân thuộc, yêu thương khi có núi, có bạt ngàn cây và những người lao động lương thiện trên sông, trên những vạt mì, mướp xanh nõn... Vẻ đẹp của dòng Lấp cũng như những người bốc vác thuê đã vẽ lên bao nét thi vị để công việc trở nên đẹp và bớt nặng nhọc, thanh bình biết bao.

C. Thơ

  • Từ khóa
93207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu