Thứ 5, 25/04/2024 19:02:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:32, 05/05/2015 GMT+7

Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Hòn Sơn

Thứ 3, 05/05/2015 | 08:32:00 2,476 lượt xem
BP - Tỉnh Kiên Giang là địa phương có bờ biển dài, nhiều sông núi và hải đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Vùng biển Kiên Giang là cửa ngõ ở phía tây nam thông ra vịnh Thái Lan, có tiềm năng lớn về kinh tế cửa khẩu, hàng hải và mậu dịch quốc tế. Đặc biệt, Kiên Giang còn có nhiều hòn đảo đẹp, rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Hòn Sơn là một trong những đảo còn hoang sơ nhưng đầy tiềm năng của huyện Kiên Hải (Kiên Giang).


Một góc đảo Hòn Sơn ngày nay - Ảnh internet

Hòn Sơn nằm giữa đảo Hòn Tre và quần đảo Nam Du, là một quần thể núi rừng nguyên sinh bao gồm nhiều loại cây và động vật. Hòn Sơn còn có một tên gọi khác là đảo Hòn Rái, do trước đây trên đảo có rất nhiều rái cá sinh sống. Đảo Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, nằm cách thành phố Rạch Giá 65km về phía tây, với diện tích 11,5km2. Các xóm chài và những vườn cây ăn trái chiếm khoảng 20% diện tích đảo, còn lại là rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ, nhiều cây nhỏ và dây leo. Động vật ở Hòn Sơn có khỉ, sóc, chim, một ít kỳ đà và trăn...

Hòn Sơn có những bãi biển tự nhiên rất đẹp được bao phủ bởi những rặng dừa ngút ngàn chạy dọc theo bờ biển và mang một dáng vẻ hoang sơ, chưa có dấu vết của sự khai phá. Bãi biển đẹp nhất ở Hòn Sơn là Bãi Bàng, nằm uốn mình như hình cánh cung với làn nước trong xanh, cùng với những hàng dừa rất thơ mộng. Trên đảo có những nơi thờ tự như đình Thần Lại Sơn, miếu Bà Cố Chủ, thánh thất Cao Đài, chùa Hải Sơn... đều nằm tại ấp Bãi Nhà. Hòn Sơn có 7 đỉnh núi dính liền nhau, mỗi đỉnh núi đều có truyền thuyết gắn liền với tên gọi của nó, nhưng Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi nổi tiếng hơn cả. Nằm ở độ cao khoảng 450m so với mặt nước biển, Ma Thiên Lãnh gắn liền với những câu chuyện thần tiên mang đậm chất thơ và cả những câu chuyện đầy màu sắc kiếm hiệp được người dân trên đảo truyền miệng qua nhiều năm.

Hiện nay, Hòn Sơn có hơn 2.000 hộ gia đình với trên 8.000 người từ các nơi đến lập nghiệp. Dân cư trên đảo tập trung chủ yếu tại 3 khu vực là bãi Nhà, bãi Giếng, bãi Bấc và một số hộ sinh sống ở bãi Bàng, bãi Xếp. Người dân trên đảo từ trước đến nay sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, ngoài ra còn có những nghề thủ công như đóng tàu, chế biến tôm, cá, mực khô và nước mắm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do nguồn cá cơm quanh đảo đã cạn kiệt, một số cơ sở sản xuất nước mắm đã ngưng hoạt động.

Tỉnh Kiên Giang có đảo Phú Quốc và các quần đảo An Thới, Bà Lụa, Hà Tiên (hay Hải Tặc); Nam Du, Thổ Chu, Hòn Rái (Hòn Sơn); Hòn Tre, Hòn Nghệ, Hòn Bàng (gần bờ phía bắc đảo Phú Quốc, giáp biên giới biển Campuchia) và Hòn Quéo.

Hằng năm vào ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch, lễ hội Nghinh Ông được người dân xã Lại Sơn tổ chức rất trọng thể. Đối với người dân ở đảo Hòn Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá nên Nghinh Ông là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như biểu diễn văn nghệ, giao lưu đờn ca tài tử, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian... Đây là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, ngày hội dân gian đậm chất tín ngưỡng của ngư dân vùng biển xã Lại Sơn. Lễ Nghinh Ông nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn trên biển thuận lợi và cũng là dịp để ngư dân tổng kết lại những chuyến đi biển trong năm, chuẩn bị cho mùa làm ăn mới. Lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian của nhân dân, gìn giữ và phát huy các phong tục, tập quán đã được lưu truyền qua bao đời và nhằm bày tỏ lòng tri ân của ngư dân với mong ước được sự phù trợ của cá Ông đối với hoạt động đánh bắt hải sản trên biển; che chở cho ngư dân trước gió bão, mưa to sóng dữ, tăng cường tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư sinh sống ở biển, đảo. Lễ hội Nghinh Ông còn là dịp thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia, đồng thời để Kiên Giang quảng bá phát triển du lịch, đưa hình ảnh Hòn Sơn đến với nhân dân cả nước và quốc tế.                        

Thế Nhàn

  • Từ khóa
87992

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu