Thứ 7, 20/04/2024 00:48:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:54, 10/04/2018 GMT+7

Vẻ đẹp của làng chài Nam Ô

Thứ 3, 10/04/2018 | 13:54:00 1,384 lượt xem
BP - Nam Ô là làng chài đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Trường Định, dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Làng chài này giống như một địa phương thu nhỏ của Đà Nẵng với biển, rừng núi và rất nhiều dấu tích lịch sử còn lại từ xa xưa. Nam Ô cũng là nơi có nghề làm nước mắm nổi tiếng bậc nhất của xứ Quảng.

Ngư dân làng chài Nam Ô - ảnh internet

Từ xa xưa, Nam Ô là một vùng quê không có đất cho sản xuất nông nghiệp, nhưng diện tích mặt nước ven biển rộng, ngư trường nhiều loài thủy hải sản phong phú về số lượng và đa dạng về loài. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi nên nghề đánh cá được hình thành từ rất sớm và trở thành nghề chính của cư dân nơi đây. Hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản đã cung cấp một lượng thực phẩm lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng và các địa phương lân cận. Nghề đi biển của ngư dân nơi đây gồm hai hình thức chính là đi khơi và đi lộng. Đi lộng là hình thức đánh bắt gần bờ diễn ra quanh năm, bắt đầu từ chiều hôm trước đến sáng ngày hôm sau; ngư cụ thường dùng là lưới, sản phẩm đánh bắt chủ yếu là các loài hải sản nhỏ. Đi khơi dành cho các phương tiện đánh bắt lớn, hiện đại; chủ yếu là các tàu lớn với số lượng từ 7-15 người, mỗi chuyến có thời gian hàng chục ngày; sản phẩm đánh bắt thường là các loại cá, tôm, mực lớn... Không chỉ giỏi chài lưới, người dân làng chài Nam Ô còn biết sáng tạo những kỹ thuật độc đáo chế biến nước mắm nổi tiếng gần xa. Để làm được nước mắm đúng chuẩn Nam Ô, từ khâu nguyên liệu đến quy trình và phương pháp đều phải tuân theo một quy tắc mà chỉ người trong nghề mới biết được. Nước mắm Nam Ô chính gốc có hương vị mắm biển đậm đà, màu cánh gián đặc trưng và sóng sánh rất hấp dẫn. Chính vì sự kỳ công trong sản xuất nên chất lượng nước mắm Nam Ô rất tốt và đây cũng là loại nước mắm được dùng để tiến vua nhiều nhất vào thời nhà Nguyễn. Đến nay, nghề làm nước mắm ở làng chài Nam Ô vẫn được giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Làng chài Nam Ô còn là một địa chỉ với những giá trị lịch sử của quốc gia, chứa đựng đời sống tinh thần, tâm linh khá phong phú của cư dân ven biển miền Trung. Đó là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa như: dinh Âm hồn, lăng Cá Ông, miếu Bà Liễu Hạnh... cùng nhiều dấu ấn văn hóa Chăm như: giếng vuông và nhiều hiện vật trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Chămpa được khai quật từ Nam Ô. Tại làng Nam Ô hiện còn những giếng cổ có tuổi đời khoảng 300 năm, với mạch nước trong, ngọt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Theo lời kể của các bậc tiền nhân làng Nam Ô, để làm được kiểu giếng đá vuông này, con người thời ấy phải lấy đá xanh từ xa đem về chế tác theo quy cách và khắc chữ, ghi năm tạo lập giếng vào trụ đá. Cùng với giếng đá là dấu tích lịch sử đặc biệt, Nam Ô còn có lăng thờ cá Ông, với tên gọi lăng Ông Ngư. Lăng có từ thời nhà Nguyễn, được xây bằng gạch, gồm 3 gian và 1 hậu tẩm, nơi lưu giữ hàng chục bình gốm tráng men chứa xương cốt cá Ông. Hằng năm, từ ngày 14 đến 16-2 âm lịch, ngư dân Nam Ô tổ chức lễ hội cầu ngư và mở biển ra khơi.

Trải qua thời gian cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố biển Đà Nẵng, làng Nam Ô đã có nhiều cơ hội để bứt phá vươn lên. Các nghề truyền thống của Nam Ô được khôi phục, có điều kiện để phát triển đã làm cho làng chài nhỏ bé này trở thành điểm đến đầy hấp dẫn. Những con tàu lớn nhỏ mỗi ngày lại tấp nập ra khơi và ngư dân Nam Ô đang hòa nhịp với sự đổi mới đi lên của thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp.(*)

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo tài liệu danang.gov.vn

  • Từ khóa
111320

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu