Thứ 5, 25/04/2024 11:37:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:11, 26/08/2017 GMT+7

 “Vàng trắng” nơi biên giới

Thứ 7, 26/08/2017 | 14:11:00 190 lượt xem
BP - Sau hơn 1 năm đưa dây chuyền sản xuất hiện đại vào vận hành, Nhà máy chế biến mủ cao su Phú Thịnh ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) không chỉ cho ra các dòng sản phẩm chất lượng, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của khách hàng mà còn góp phần ổn định vùng nguyên liệu, giúp người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở khu vực biên giới yên tâm lao động, phát triển sản xuất bền vững.

Phát huy lợi thế

Năm 2006, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cao su Phú Thịnh (Công ty Phú Thịnh) được thành lập từ nguồn vốn góp của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. 2 nông trường đứng chân trên địa bàn 7 xã của 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng đang quản lý hơn 2.276 ha vườn cây cao su. Trong đó, Nông trường Đắk Ơ quản lý hơn 1.211 ha, còn lại của Nông trường Thống Nhất (Bù Đăng). Các dòng cây được 2 nông trường trồng, chăm sóc đều đã cho khai thác trước quy trình gần 1 năm. Ngoài diện tích được giao, công ty còn đầu tư và đẩy mạnh thực hiện trồng cao su theo hình thức liên doanh với các hộ đồng bào DTTS trong vùng dự án thụ hưởng Chương trình 134, dự án cao su tạo Quỹ An sinh xã hội tỉnh...

Trong giờ làm việc ở Nhà máy chế biến mủ cao su Phú Thịnh

Trước đây, sản phẩm của công ty đều nhập hàng bằng mủ nước và chịu biến động về giá. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cuối năm 2013, Công ty Phú Thịnh khởi công xây dựng nhà máy chế biến mủ với công suất 6.000 tấn/năm. Nhà máy chế biến mủ cao su Phú Thịnh được xây dựng theo công nghệ hiện đại với tổng trị giá gần 60 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thuyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết: Đơn vị đặt ra mục tiêu phát huy tối đa lợi thế tiềm năng và khai thác có hiệu quả các vườn cây. Đồng thời liên doanh chặt chẽ với các đối tác để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh bền vững với phương châm “Tất cả vì lợi ích cổ đông, vì cuộc sống người lao động, vì trách nhiệm cộng đồng”.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Nhà máy chế biến mủ cao su Phú Thịnh có nhiệm vụ sơ chế mủ cao su thiên nhiên từ nguyên liệu mủ nước, mủ tạp, cho ra những dòng sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khách hàng. Ông Nguyễn Trọng Thanh, Phó giám đốc nhà máy cho biết: Hằng ngày, nhà máy tiếp nhận khoảng 35 tấn mủ nước từ 2 nông trường cùng 20 tấn của đơn vị liên doanh và các hộ tiểu điền để chế biến ra các dòng sản phẩm SVR 3L, SVRL và CV 50-60 đạt tiêu chuẩn TCVN 3769:2004. Sản phẩm của nhà máy xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á, châu Âu... Từ ngày hoạt động đến nay, đã có 200 tấn sản phẩm của nhà máy đến với thị trường Mỹ và được đối tác đánh giá cao.

Những ngày cuối tháng 8 lịch sử, chúng tôi đến các xã vùng sâu, xa của huyện biên giới Bù Gia Mập, hỏi người dân trong vùng dự án, đa số đều sôi nổi nói về cái “được”, cái “lợi” khi có nhà máy chế biến mủ cao su ở nơi xa xôi này. Ông Điểu Nốp ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập phấn khởi nói: Từ nay, chúng tôi yên tâm với cây cao su, vì mủ cao su của đồng bào có bao nhiêu đều được công ty thu mua theo giá niêm yết và ổn định. Hằng tháng, gia đình tôi đều có mủ bán và không sợ bị tư thương ép giá.

Để thu gom mủ cao su tiểu điền, tổ thu mua của nhà máy phải triển khai rộng khắp, niêm yết giá công khai và đảm bảo kinh phí chi trả. Do “vàng trắng” ở vùng sâu, xa, đại lý tư nhân thu mua có nhiều lợi nhuận nên sức cạnh tranh rất lớn, thậm chí cả trong vùng nguyên liệu công ty đặt nhà máy. Nhiều đại lý thu mua trôi nổi nhập nguyên liệu cho nhà máy, khi độ pH vượt quá quy định (8.0) rất khó xử lý để chế biến theo quy trình chất lượng sản phẩm. Độ của mủ không đạt do đại lý thu mua xong trộn thêm hóa chất, nước... nên từ đầu năm 2016 đến nay, nhà máy đã loại bỏ 3 đại lý tư nhân không chấp hành nghiêm quy định. Phó giám đốc nhà máy Nguyễn Trọng Thanh nói thêm: Hiện nhà máy mới chỉ hoạt động 50% công suất thiết kế vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Nếu hoạt động hết công suất, mỗi ngày nhà máy cần 50-60 tấn mủ nước từ nguồn cao su tiểu điền trên địa bàn các xã của huyện Bù Gia Mập. Tuy nhiên, để sản xuất theo đơn đặt hàng thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu, không vì thiếu nguyên liệu mà bất chấp các nguồn mủ cung cấp không bảo đảm chất lượng.

Góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập

Ngay từ ngày đầu triển khai trồng và chăm sóc cao su tại các xã vùng sâu, xa, Công ty Phú Thịnh đã quan tâm giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa bàn. Trước đây, đồng bào DTTS ở các xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập gặp rất nhiều khó khăn. Được nhận vào làm công nhân trong nông trường và nhà máy, nay phần lớn đồng bào có thu nhập ổn định với mức lương bình quân trên 6 triệu đồng/tháng/người. Các hộ đồng bào DTTS nơi đây cũng mạnh dạn đầu tư trồng cao su trên diện tích đất của gia đình và đều đã thu lợi. Ngoài ra, nhà máy còn tạo việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn bốc xếp sản phẩm với mức lương từ 2-4 triệu đồng theo thời vụ... “Người dân vùng biên giới rất muốn con em được làm công nhân của nông trường, nhà máy, còn hộ cao su tiểu điền ở đây sẽ là đối tác lâu dài của công ty” - ông Điểu Nốp nói.

Ông Phạm Sỹ Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: Về tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, thì ở các xã vùng sâu, xa, có đông đồng bào DTTS sinh sống khó thực hiện nhất. Thời gian qua, nhờ Công ty Phú Thịnh giải quyết việc làm cho lao động địa bàn và tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân có vườn cây cao su đã hỗ trợ rất lớn trong việc giúp xã hoàn thành tiêu chí này.

T.Mảng

  • Từ khóa
41996

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu