Thứ 6, 29/03/2024 17:21:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:18, 06/12/2016 GMT+7

Văn tức là người

Thứ 3, 06/12/2016 | 14:18:00 1,753 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Giản Thanh là trạng nguyên khoa thi Đoan Khánh năm thứ tư (1508), đời vua Lê Uy Mục. Ông là người làng Ông Mặc (tục gọi là làng Me), huyện Đông Ngàn, nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị thư kiêm Đông các Đại học sĩ. Sau đó, ông lại ra làm quan với nhà Mạc và được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc) để cầu phong cho Mạc Đăng Dung. Khi trở về, ông được thăng Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng viện sự, tước Trung Phụ bá. Khi ông mất được triều đình tặng tước hầu.

Tương truyền, Nguyễn Giản Thanh chỉ đỗ bảng nhãn còn Hứa Tam Tỉnh (làng Ngọt) đỗ trạng nguyên. Trong buổi lễ ra mắt vua, các tân khoa phải làm một bài phú dâng tặng vua và hoàng thái hậu (mẹ của vua). Hoàng thái hậu thấy Hứa Tam Tỉnh dung mạo xấu xí thì không ưng lắm, trong khi đó Nguyễn Giản Thanh khuôn mặt khôi ngô, thanh tú nên bà muốn cân nhắc ông lên làm trạng nguyên. Vua vì muốn chiều lòng mẹ nên đánh giá bài phú của Nguyễn Giản Thanh cao hơn và trao danh hiệu trạng nguyên cho ông.

Biết được chuyện chỉ vì đẹp trai mà Nguyễn Giản Thanh đoạt mất chức trạng nguyên của Hứa Tam Tỉnh, người làng mình xứng đáng hơn, các bậc trí giả làng Vọng Nguyệt (tục gọi là làng Ngọt), huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, tỏ ra bất bình, bèn đặt tên cho Nguyễn Giản Thanh là “Mạo trạng nguyên”. Tên gọi này có hai nghĩa, mạo là diện mạo, là vẻ mặt, đồng thời cũng có nghĩa là giả mạo. Còn dân gian thì lưu truyền câu “Trạng Me đè trạng Ngọt”. 

Nguyễn Giản Thanh là con trai của tiến sĩ Nguyễn Giản Liên, nhưng cha mất sớm. Ngay từ nhỏ, Giản Thanh đã có phong tư tài mạo sáng sủa, thông minh đĩnh ngộ. Bấy giờ tiến sĩ Đàm Thận Huy nổi tiếng hay chữ, là thành viên Tao đàn Nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông, nghỉ việc quan mở lớp dạy học trò. Nguyễn Giản Thanh may mắn được nhận vào học.

 Lúc còn nhỏ ông đã tỏ ra là người rất thông minh, mới 16 tuổi đã thông hiểu rất nhiều sách vở và sau đó đi thi đỗ trạng nguyên. Một hôm đang đi học ở trường, thầy học là Thượng thư Đàm Thận Huy vừa giảng bài xong thì trời sập mưa, học trò đều phải ngồi lại. Ông Huy nhân thấy vậy, bèn ra một câu đối để học trò cùng đối cho vui: Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách. Nghĩa là: Mưa không có then khóa mà giữ được khách.

Vừa nghe xong, Nguyễn Giản Thanh đối ngay rằng: Sắc bất ba đào dị nịch nhân. Nghĩa là: Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta.

Ông Huy xem xong khen rằng: Câu đối này hay lắm, giọng văn này có thể đỗ trạng được, nhưng sau tất mê đắm vào vòng sắc dục làm hại lây đến sự nghiệp.      

Tiếp đó, một người học trò là Nguyễn Chiêu Huấn lại đối: Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân. Nghĩa là: Mặt trăng giống cái cung mà chẳng bắn ai.

Ông Huy phê: Câu này kém sắc sảo, không hay bằng câu kia, nhưng tỏ ra khí chất hiền hòa, sau này sẽ làm nên, cuộc sống sẽ chu toàn.

Sau đó, lại có một người học trò khác đối rằng: Phân bất uy quyền dị sử nhân. Nghĩa là: Phân cứt chẳng uy quyền gì mà dễ sai khiến người.

Ông Huy phê: Sau giàu sang nhưng là hạng bỉ lậu.

Quả nhiên, mấy năm sau, Nguyễn Giản Thanh thi đỗ thủ khoa, rồi đỗ Trạng nguyên đời vua Lê Uy Mục và làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư, nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá. Còn Chiêu Huấn chỉ đỗ bảng nhãn nhưng làm quan và sống yên ổn, không xảy ra chuyện gì cả. Riêng người học trò kia sau cũng vào bậc hào phú trong vùng, nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi.

Lời bàn:

Ông cha ta ngày xưa vẫn thường nói “Văn là người” hay “Văn tức là người”, còn  Maksim Gorky, nhà văn kiệt xuất của nền văn học nước Nga vào thế kỷ XX, cũng đưa ra một khái niệm về văn học tương tự “Văn học là nhân học”. Và theo ông, văn học là nhân học, văn học là bộ môn học về con người, không phải chỉ là con người sinh học với đầy đủ chân, tay, mắt, mũi, tim, gan... mà đó là những con người với cuộc sống tinh thần phong phú và đa dạng của họ. Và suy cho cùng thì cả hai khái niệm trên đều chung một quan điểm rằng văn chương là kết tinh tâm hồn của con người. Bởi văn học thể hiện sự rung cảm, đồng cảm sâu sắc trong tâm hồn của con người với con người và con người với thiên nhiên thông qua giá trị của chân - thiện - mỹ.

Bản chất của cuộc sống cũng là bản chất của con người. Vì vậy, văn học không chỉ dừng lại ở giá trị văn chương mà còn góp phần xây đắp tình yêu thương giữa con người với con người trong xã hội. Vì vậy, học văn là để hiểu sâu hơn tâm hồn con người và đồng thời cũng là để học cách làm người. Và chính vì thế mà thầy giáo Đàm Thận Huy trong giai thoại nêu trên chỉ cần thông qua những vế đối của các học trò mà biết được hậu vận của mỗi người. Thầy mà hiểu được trò đến như vậy thì thử hỏi hậu thế thời nay có được mấy người?

N.D

  • Từ khóa
111266

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu