Thứ 7, 20/04/2024 11:47:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:07, 25/12/2019 GMT+7

Văn hóa xếp hàng: Bao giờ mới thành nếp sống?

Ngọc Tú
Thứ 4, 25/12/2019 | 15:07:00 200 lượt xem
BP - Nếp sống là hành vi ứng xử của con người đã trở thành thói quen. Nếp sống văn hóa, nhất là nếp sống văn minh đô thị theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa, đáp ứng yêu cầu cuộc sống của cộng đồng đang được phát động mạnh mẽ nhiều năm trở lại đây. Điều đó góp phần xây dựng con người mới với tác phong và cốt cách văn minh, hiện đại. Thế nhưng, việc xếp hàng vốn rất dễ mà ngay đứa trẻ lên 3 cũng làm được thì không hiểu sao lại trở nên vô cùng khó với nhiều người lớn đến vậy?

Vài ngày trước trên một số trang mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nữ khách hàng trung niên sau khi bị nhắc nhở phải xếp hàng đã lớn tiếng la mắng nhân viên khiến cộng đồng mạng xôn xao. Đoạn clip được cho là quay tại cửa hàng ăn nhanh thuộc khu vực Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Với độ tuổi đó, nữ khách hàng chắc chắn đã sống qua “thời bao cấp”. Vậy mà ở thời đại văn minh, người này lại hành xử rất kém, vừa tạo ra hình ảnh xấu xí cho người lớn tuổi, không làm gương cho lớp trẻ vừa đánh mất sự tôn trọng của mọi người.

Theo hình ảnh từ camera an ninh, người phụ nữ trung niên có hành vi chen ngang tại quầy thu ngân. Khi được nhân viên nhắc nhở xếp hàng, người này lớn tiếng: “Cô xếp hàng từ dưới kia lên còn gì nữa? Bây giờ lại bảo cô xếp hàng là thế nào? Mù à?”. Trước tình huống này, 1 nữ nhân viên nhanh chóng xin lỗi thì người phụ nữ tiếp tục: “Con áo đỏ kia phải xin lỗi kìa, không phải cháu xin lỗi, nó nói nó phải xin lỗi”. Nữ nhân viên đó ngay lập tức xin lỗi khách hàng. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn tiếp tục chửi bới nhân viên “bố láo, mất dạy”: “Mày tưởng mày có tiền mà tao không có tiền mua à?”.

Sự việc dừng lại ở đó cũng đã là không đẹp thì người phụ nữ vẫn tiếp tục có nhiều lời lẽ xúc phạm nhân viên: “Cả đời mày chỉ là con nhân viên”, “Cả đời mày chỉ là con quét rác thôi”, “Cái con kia đuổi về đi nhé”. Khi nhân viên đang đóng đồ cho khách, người phụ nữ dường như vẫn chưa nguôi cơn giận, vào quầy bán hàng và tiếp tục dọa nạt: “Cô là lãnh đạo đấy”, “Tao là giám đốc đấy”... Và nếu đúng bà này là lãnh đạo thì nhân viên của bà ta thật bất hạnh (!?). Bà tự cho mình cái quyền chức cao vọng trọng rồi miệt thị người khác sao?

Văn minh đô thị, nếp sống văn hóa không tự hình thành mà phải “góp gió thành bão”, mỗi người một chút để cùng cộng đồng chung tay xây dựng. Việc xếp hàng rất dễ nếu bản thân người đó trọng luật, biết sống vì mọi người xung quanh. Nhưng sẽ không thể làm được với những con người ích kỷ, chỉ sống vì bản thân, chưa hình thành thói quen trọng nguyên tắc, chấp hành các quy định pháp luật, giúp hình thành chuẩn mực văn minh.

Cách đây chưa lâu, tôi có dịp đưa con về quê. Khi chuẩn bị làm thủ tục tại sân bay T.X thì có 1 người đàn ông và 2 phụ nữ chừng 40-45 tuổi bất ngờ đứng chắn trước mặt, người đàn ông làu bàu: “Để tôi làm trước, trẻ con lằng nhằng lâu lắm...!”. 3 mẹ con đang đứng trước quầy kiểm tra vé đành phải dạt sang bên nhường chỗ. Mặc dù trong lòng rất ấm ức nhưng tôi không dám phản ứng. Bởi chắc chắn mình không phải đối thủ nếu làm người đàn ông kia nổi giận (!?)...

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự giao thoa của nhiều nền văn hóa càng đòi hỏi phải phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Nhưng muốn giữ được nền nếp văn hóa, lối sống văn minh phải xây dựng từ nền tảng gia đình. Trong đó, chúng ta cần chú trọng việc bồi dưỡng, giáo dục ý thức thế hệ trẻ; có giải pháp giáo dục ngay từ khi trẻ ngồi trên ghế nhà trường để việc xếp hàng tự ăn sâu vào nếp nghĩ của mỗi người. Từ đó sẽ hình thành tư duy trọng nguyên tắc, trọng lý lẽ, trọng pháp luật và từng bước hoàn thiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trong mỗi cư dân và cả cộng đồng; đồng thời còn giúp mỗi người cư xử với nhau nhân ái, tiến bộ, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

  • Từ khóa
94118

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu