Thứ 5, 25/04/2024 15:35:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:42, 26/10/2017 GMT+7

Văn hóa đô thị ở khu phố Tân Trà

Thứ 5, 26/10/2017 | 09:42:00 267 lượt xem

BP - Hẻm 522, thuộc khu phố Tân Trà, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài vừa làm xong đường bê tông và đưa vào sử dụng. Ngay sau đó, từ người lớn đến trẻ nhỏ của 50 hộ dân trong hẻm đã cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ và trồng hoa hai bên con đường dài 1,2km này. Sau đó, mỗi gia đình nhận trách nhiệm chăm sóc hoa và giữ gìn vệ sinh khu vực trước ngõ nhà mình, bảo đảm vừa sạch vừa đẹp. Việc này với người Đồng Xoài nói riêng, người Bình Phước nói chung có vẻ “lạ”?

Đà Lạt được gọi là “thành phố ngàn hoa”. Không phải ngẫu nhiên Đà Lạt có được danh xưng ấy. Đó là bởi đường phố lớn hay ngóc ngách nhỏ nào ở Đà Lạt cũng có hoa nở quanh năm. Nhưng điều đặc biệt hơn, là hoa ở Đà Lạt gần như không bao giờ bị ngắt, bị trộm, dù ngay tại đó mỗi gốc cẩm tú cầu đang được bán tại vựa với giá 50-70 ngàn đồng, bán cho khách du lịch không dưới 100 ngàn đồng... Ở đồng bằng Bắc bộ, từ thành thị đến nông thôn, hiếm có khoảng không nào để đất trống cho cỏ mọc. Một phần bởi đồng bằng Bắc bộ đất đai cằn cỗi, eo hẹp, phải tận dụng mọi điều kiện có thể, một phần bởi thói quen chăm chút cho không gian sống xung quanh của người dân.

Nêu lên để thấy điều kiện tự nhiên và không gian sống ở Bình Phước thuận lợi như thế nào. Lâu nay, người Bình Phước chưa có thói quen chăm chút cho môi trường sống xung quanh mình. Rất nhiều việc người dân có thể tự giải quyết, tự chăm sóc mình nhưng lại phó mặc cho nhà nước. Nhiều người sinh sống trong ngõ giữa thị xã hằng ngày phải đi trên con đường đất đỏ sình lầy vào mùa mưa, bụi vào mùa khô, cỏ mọc um tùm chỉ còn lối mòn ở giữa, nhưng không chịu hoặc căn ke từng đồng đóng góp để làm con đường mới khang trang, sạch sẽ - dù số tiền đóng góp ấy chỉ bằng 1 tháng “nhậu phí”! Nhiều người chỉ quan tâm đến chuyện sạch, đẹp trong khuôn viên nhà mình, còn ngoài đường như thế nào là việc của nhà nước. Không ít người có thể ngồi “lai rai” cả ngày, từ tuần này sang tuần khác... nhưng rác để ngập quanh nhà hoặc đem ra suối Đồng Tiền quăng cho nhanh gọn...

Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long đang phát triển trở thành những thành phố trong tương lai. Hệ thống chính quyền, các phương tiện truyền thông và cả nhân dân ở 3 thị xã đang dần quen với cụm từ “đô thị” khi nói những gì liên quan đến mình. Nhưng đi song hành với cụm từ mà nhiều người nghe thích tai ấy, cần có sự phát triển văn hóa tương xứng. Cuộc sống đô thị phải gắn liền với lối sống thị dân. Xây dựng cơ sở hạ tầng tưởng rằng khó, nhưng thực tế cho thấy còn dễ hơn rất nhiều so với xây dựng văn hóa, xây dựng hình ảnh đẹp về điển hình con người của mỗi vùng đất. Lối sống thị dân xây dựng ở một nơi vốn ít năm trước đó còn gắn liền với văn hóa nông thôn, vườn rẫy, càng khó hơn.

Trong quá trình đô thị hóa, văn hóa đô thị là một trong những tiêu chí để đánh giá thực trạng, trình độ lối sống trong các đô thị, hay nói cách khác văn hóa đô thị là tấm gương phản chiếu quá trình đô thị hóa. Chính vì thế, song song với những vấn đề liên quan tới an sinh xã hội, các quyết sách phát triển luôn cần đi liền với xây dựng phông văn hóa của cộng đồng. Ví như phải làm thế nào để người dân hổ thẹn khi ứng xử sai trái, làm thế nào để việc trồng hoa của người dân khu phố Tân Trà không còn “lạ”, trở nên bình thường và không còn “được lên báo”... Có như vậy, mới có “đô thị kỷ cương, văn minh - công dân gương mẫu, tự giác”, “thành phố văn minh, hiện đại”... như mục tiêu các đô thị trên địa bàn tỉnh đặt ra.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu