Thứ 7, 20/04/2024 05:40:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:50, 14/03/2019 GMT+7

Văn hóa chốn tôn nghiêm

Thứ 5, 14/03/2019 | 13:50:00 938 lượt xem
BP - Đi lễ chùa cầu an vào dịp đầu năm là nét văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, việc đi lễ chùa đã ít nhiều bị biến tướng và mang màu sắc mê tín dị đoan. Hình ảnh sờ tay vào tượng Phật, nhét tiền vào bàn thờ, hỗn chiến khi cướp phết, chen lấn xô đẩy để giành lộc, tranh xăm... cho thấy tâm lý mê tín trong một bộ phận người dân còn rất nặng nề.

Chùa là nơi tôn nghiêm, linh thiêng và người dân đến chùa ngoài việc lễ phật còn tìm đến nơi tĩnh lặng để vãn cảnh. Lễ chùa trong văn hóa người Việt là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc. Ngoài giá trị tâm linh, chùa còn là nơi giao lưu văn hóa mang tính gắn kết cộng đồng ở các khu dân cư, các vùng miền với nhau. Vì vậy, người đến lễ chùa ngoài tấm lòng chân thành còn phải ăn mặc lịch sự, kín đáo.

Ngày nay, kinh tế phát triển nên nhu cầu và mục đích đến chùa cũng thay đổi. Vì thế có không ít phụ nữ đến chùa chỉ để khoe vóc dáng, da thịt nên họ chỉ mặc những chiếc váy không thể ngắn hơn. Áo chỉ là hai chiếc dây treo miếng vải nhỏ vắt ngang qua ngực. Đã vậy, khi vào chùa thì cười nói bỗ bã, chen lấn, xô đẩy, chửi thề và tranh nhau chỗ thắp hương. Lại có người lấy tiền xoa, chà vào tượng phật rồi xoa lên người mình. Trong một bản tin thời sự đầu tháng 3 vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát một số clip về những bức tượng phật bị người ta sờ mòn mất một bên và hình ảnh những đồng tiền vung vãi khắp nơi rất phản cảm. Có người thắp hương quỳ gối cả tiếng đồng hồ để cầu xin được thăng tiến, buôn may bán đắt. Có người lại quỳ lạy một gốc cây, người thì tranh nhau rút quẻ, xin xăm với đủ cung bậc cảm xúc “hoan - hỉ - ái - nộ” khi nghe giải mã số xăm... Hình ảnh này làm mất giá trị của việc lễ chùa. Cuộc sống đã chứng minh, nếu tâm không tốt, lòng không tịnh thì dù có chạy “sô” nhiều chùa, lễ phật thật to, quỳ gối cả đời, khấn vái thật nhiều hay nhét đầy tiền vào tượng phật như một kiểu hối lộ thì tài lộc và may mắn cũng không bao giờ tìm đến. Vì vậy, mỗi người hãy tự nhận thức rồi sống hướng đến chuẩn của đạo đức con người là “chân - thiện - mỹ”. Có như vậy mới là người thực sự hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của Phật giáo, của việc đi lễ chùa nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các hành vi “buôn thần bán thánh”, lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị doan.

Ở Bình Phước có nhiều miếu, đình, chùa tổ chức lễ hội hằng năm, trong đó có lễ hội miếu Bà Rá tại phường Sơn Giang, thị xã Phước Long. Tuy nhiên, lễ hội vía Bà tại phường Sơn Giang tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch, nên sau tết Nguyên đán, người dân trong tỉnh thường đến các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và ra một số tỉnh phía Bắc để lễ chùa... Trong dịp đầu năm mới, một số chùa ở tỉnh ta đã đón lượng người đến viếng khá đông. Mặc dù các chùa ở Bình Phước quy mô nhỏ, “thâm niên lịch sử” chưa nhiều nên không có cảnh chen lấn, xô đẩy; tuy vậy, một số nơi đã xuất hiện không ít hình ảnh chưa đẹp, như người đến chùa ăn mặc chưa lịch sự, thiếu kín đáo; vẫn còn mất trật tự lúc dâng hương và còn tự do đốt vàng mã...

Tấn Phong

  • Từ khóa
109066

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu