Thứ 6, 19/04/2024 05:11:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:36, 13/07/2018 GMT+7

Vấn đề già làng ở Bình Phước hiện nay

Thứ 6, 13/07/2018 | 06:36:00 1,372 lượt xem

BP - Tính đến thời điểm này, Bình Phước là tỉnh duy nhất có nghị quyết riêng để thực hiện chính sách cho già làng tiêu biểu, xuất sắc (Nghị quyết số 27/2016/HĐND, ngày 7-12-2016 của HĐND tỉnh), đây là chính sách đặc thù của tỉnh. Năm 2018, toàn tỉnh có 101 già làng tiêu biểu, xuất sắc (Quyết định số 503/QĐ-UBND, ngày 13-3-2018 của UBND tỉnh). Bên cạnh những đóng góp tích cực của già làng, hoạt động của già làng cũng còn nhiều hạn chế. Vấn đề cần quan tâm là xây dựng tiêu chí thế nào cho phù hợp để bầu chọn già làng, hiện nay già làng gặp khó khăn gì trong hoạt động?

Cần xác định tuổi già làng

Trong xã hội truyền thống của người S’tiêng, chủ làng là một chức sắc được xem là “lãnh tụ tinh thần”. Chủ làng là người quyết định việc chọn đất để lập làng; quyết định dời làng nếu có xung đột hoặc dịch bệnh; quyết định xử phạt, đuổi ra khỏi làng những thành viên vi phạm luật tục; quyết định cho cư dân làng khác, dân tộc khác nhập cư vào làng mình; quan hệ với chủ làng khác để cư dân của làng mình được đến làng khác làm ăn, săn bắt lâm, thổ, thủy sản và ngược lại. Đây được xem là quyền lực lớn của chủ làng. 

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tổ chức họp mặt già làng, người có uy tín tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước năm 2017 - Ảnh: M.Luận

Nếu chủ làng là già làng thì đây không chỉ là người có uy tín lớn đối với cộng đồng, có nhiều kinh nghiệm, người chịu trách nhiệm đứng ra xử lý theo luật tục các vấn đề tranh chấp trong cuộc sống, các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, giữa cộng đồng làng mình với làng khác; mà còn là người hiểu biết rộng về luật tục, văn hóa, địa lý không chỉ riêng của làng mình, dân tộc mình, khi tổ chức lễ hội, cầu các vị thần, già làng phải nhớ hết tên và mời tất cả già làng của làng mình và làng khác cùng dự lễ hội để phù hộ cho cả làng. Già làng còn là sự kết hợp của yếu tố tuổi già, địa vị xã hội cao và sự giàu có vượt ra khỏi phạm vi làng mình, ảnh hưởng lớn đến cả làng và một số làng khác, tiếng nói phải có trọng lượng. Khi xảy ra tranh chấp, giải quyết tranh chấp, già làng có thể lấy tài sản của gia đình mình để thế chấp, bảo vệ cho thành viên trong làng. Đây được xem là những tiêu chuẩn rất quan trọng. Nếu căn cứ vào những đặc điểm văn hóa truyền thống đó thì già làng tiêu biểu, xuất sắc ở Bình Phước chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trường hợp chủ làng là người có uy tín lớn đối với cộng đồng, nhưng tuổi còn trẻ thì không thể gọi là già làng mà chỉ là người có uy tín. Trong số 101 già làng tiêu biểu, xuất sắc, nhiều người có độ tuổi rất trẻ, như các ông: Phùng Văn Quáng sinh năm 1967 ở ấp 8, xã Tân Thành (Đồng Xoài); Điểu Bổn, sinh năm 1967 ở thôn 1, xã Đoàn Kết (Bù Đăng); Phùng Văn Khiết, sinh năm 1968 ở ấp 4, xã Thanh Hòa (Bù Đốp); Điểu Lưng, sinh năm 1969 ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn (Bù Gia Mập); Điểu Khô, sinh năm 1970 ở Sóc Tranh 1, xã Phước An (Hớn Quản)... Ở độ tuổi này không thể gọi là già làng, được làm già làng.

 Vì vậy, cần xác định rõ tuổi để bầu chọn già làng để phân biệt với người có uy tín. Già làng phải kết hợp cả 2 yếu tố: có uy tín và độ tuổi. Trong danh sách 101 già làng tiêu biểu, xuất sắc, nhiều người không phải là người có uy tín. Như vậy, việc bầu chọn này chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Vậy, người có uy tín bao nhiêu tuổi trở lên thì được làm già làng? Hiện nay, không có văn bản nào quy định vấn đề này. Tuy nhiên, căn cứ vào Luật Người cao tuổi quy định người từ đủ 60 tuổi trở lên được gọi là cao tuổi thì nên quy định “tuổi sàn” cho già làng trước hết phải là người có uy tín và đủ 60 tuổi trở lên, như vậy tiếng nói của họ mới có trọng lượng. 

Những khó khăn tác động đến hoạt động của già làng

Hoạt động của già làng hiện có những khó khăn chủ yếu sau: Trước hết là sự biến đổi về kinh tế - xã hội. Trong xã hội truyền thống, già làng có vai trò hết sức quan trọng trong việc chọn đất để lập làng và chọn đất để làm rẫy, quyết định hình thức xử phạt những thành viên trong làng vi phạm luật tục, đuổi ra khỏi làng; “thẩm tra” lý lịch cô dâu, chàng rể từ làng khác đến; khách đến chơi lâu ngày..., thì ngày nay quyền lực này của già làng dường như không còn. Bên cạnh đó, vai trò của già làng không thể thay thế vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở thôn, ấp. Dù điều kiện ở mỗi thôn, ấp khác nhau, nhưng nhìn chung các thôn, ấp đều có đảng viên, có chi bộ... nên già làng không có quyền quyết định những vấn đề của cộng đồng như xưa.

Già làng Điểu Lên, thôn Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng) tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước lần thứ II (ảnh minh họa) - Ảnh: Sỹ Hòa

Thứ hai, luật tục không thể thay thế luật pháp của Nhà nước. Mỗi dân tộc đều có văn hóa, tập quán, luật tục riêng để giải quyết các mối quan hệ trong cộng đồng với nhau. Nhà nước luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc được sử dụng các luật tục của mình để giải quyết những mối quan hệ trong cộng đồng nhưng không được trái với quy định luật pháp.

Thứ ba là sự tác động của tôn giáo: Yếu tố tâm linh đã dịch chuyển sang một niềm tin mới, đó là tôn giáo. Người S’tiêng là dân tộc theo tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh”. Trong xã hội truyền thống, khi xử lý những mối quan hệ trong cộng đồng, già làng thường lấy yếu tố tâm linh gắn với luật tục để giải quyết công việc, đặc biệt là xử phạt các thành viên trong cộng đồng khi vi phạm luật tục đối với tội loạn luân, hiếp dâm, quan hệ nam nữ trước hôn nhân, xúc phạm người già, người đã khuất, xâm phạm mồ mả, phá hoại môi trường sống... có thể bị trục xuất khỏi làng để tránh trời đất phạt ảnh hưởng đến dân làng. Khi đồng bào đã theo đạo, yếu tố này đã thay đổi nhiều.

 Thứ tư là sự giao thoa tiếp biến văn hóa tác động đến nhận thức của lớp trẻ. Lớp trẻ ngày nay đa phần đều được đi học, được tiếp xúc với môi trường văn hóa mới, họ không chỉ nghe già làng đêm đêm kể chuyện về kinh nghiệm lao động, sản xuất, những luật tục của cộng đồng ngày xưa. Mặt khác, bản thân nhiều già làng còn hạn chế bởi trình độ học vấn; sự hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; am hiểu về luật tục, văn hóa của dân tộc mình nên khó quy tụ, giáo dục lớp trẻ.  

Ngày nay, tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể đều được thiết lập ở thôn, ấp. Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, dân trí từng bước được nâng cao, niềm tin tôn giáo thay thế tín ngưỡng đa thần, mê tín dị đoan; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục, y tế người dân tộc thiểu số đang hình thành và tiến bộ. Bởi thế, trong tương lai, vị trí, vai trò của già làng tất yếu sẽ có sứ mệnh lịch sử riêng của nó.

Điểu Điều
(Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh)

  • Từ khóa
21464

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu