Thứ 4, 24/04/2024 07:15:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:48, 24/08/2018 GMT+7

Vẫn chưa đủ sức hấp dẫn!

Thứ 6, 24/08/2018 | 08:48:00 157 lượt xem

BP - Điểm đầu vào ngành sư phạm năm nay được Bộ GD-ĐT quy định: Trên 17 điểm đối với khối đại học và 15 với khối cao đẳng. Bước đầu sàng lọc sinh viên có trình độ trên trung bình để đào tạo... làm thầy là một sự nỗ lực đáng mừng, quyết tâm thay đổi tích cực đối với “sự nghiệp trồng người”. Tuy nhiên, ngành chưa có giải pháp thu hút hấp dẫn nên thí sinh đậu điểm cao vẫn chưa mặn mà.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trừ một số ít trường lớn, các trường sư phạm, nhất là tại địa phương tuyển sinh năm nay rất khó khăn, tình trạng đìu hiu sinh viên đến thời điểm này khó cải thiện. Điển hình, Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, kết thúc đợt 1, trường có 3 thí sinh sư phạm Ngữ văn, 1 thí sinh sư phạm Vật lý đến xác nhận nhập học. Một số ngành không có thí sinh đến xác nhận nhập học là Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên cũng bết bát với 4 thí sinh sư phạm Toán, 5 Ngữ văn và 1 Vật lý, riêng Sinh học không có thí sinh. Trường đại học sư phạm - Đại học Huế chưa đầy 50% thí sinh đến xác nhận trúng tuyển vào các khoa. Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai đặt điểm chuẩn cao, nổi bật với Ngữ văn 23, Hóa và Lịch sử 20, tiếng Anh 19, Toán và Vật lý 18 điểm. Và thực tế: không có thí sinh nào đạt mức điểm này vào trường (!?).

Trên thực tế cung - cầu và chất lượng đầu vào những năm gần đây thì cắt giảm chỉ tiêu, sắp xếp lại cơ chế tuyển sinh là điều cần thiết. Theo con số khảo sát từ Bộ GD-ĐT, trung bình mỗi năm có khoảng 4.000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp không tìm được việc. Đến năm 2020, dự kiến khoảng 70 ngàn sinh viên sư phạm thất nghiệp. Rõ ràng là chúng ta đang phải đối diện với sự thật: Nước ta hiện rất thừa... thầy! Nhưng trong số thừa đó, bao nhiêu phần trăm thầy cô giỏi chưa được trọng dụng? Từ đó, muốn giáo dục mạnh cần phải có giải pháp hữu hiệu tìm và giữ chân thầy giỏi. Nếu thầy không giỏi thì phương pháp có tiên tiến, giáo trình có hay đến đâu hiệu quả truyền đạt đến đối tượng tiếp nhận cũng sẽ bị hạn chế. Thiệt thòi đương nhiên là học trò, ảnh hưởng xấu đến đất nước cả... trăm năm sau!

Nhưng không thể bàn tới thu hút người giỏi vào ngành giáo dục nếu các cử nhân sư phạm không xin được việc và sống được bằng lương. Miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập mới là bước đầu. Khi cử nhân ra trường phải được bố trí công việc phù hợp năng lực. Cùng với đó, tính hấp dẫn của nghề nghiệp từ lương và chế độ đãi ngộ phải cao (ví dụ như công an, quân đội) để tạo ra “thương hiệu” hàng đầu như bách khoa, y, dược, công an, quân đội... Khi đó, không chỉ bản thân thí sinh tự hào vào được sư phạm, tự tin sống được với nghề mà gia đình họ cũng an tâm; tác động đến nhiều học sinh khá, giỏi khác tâm huyết nuôi dưỡng mơ ước trở thành thầy, cô giáo. Điều đó tác động thay đổi nhận thức, đánh giá trong xã hội đối với vị trí nghề nghiệp. Người giỏi được tôn vinh, đề cao ở vị trí: Người thầy!

Đổi mới giáo dục để đất nước phát triển là trọng trách nặng nề. Nhưng để truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc không bị mai một, đồng nghĩa với việc cho “ra lò” những thầy giỏi, xứng đáng làm thầy cần phải tạo ra chính sách phù hợp. Cùng với đề án thu hút nhân tài mà nhiều tỉnh, thành đã thực hiện thời gian gần đây như Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... thì chính sách riêng biệt đối với giáo dục cũng nên được ưu tiên làm ngay!

An Nhiên

  • Từ khóa
108940

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu