Thứ 5, 25/04/2024 10:39:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:12, 24/05/2017 GMT+7

Vai trò và vị thế của già làng

Thứ 4, 24/05/2017 | 14:12:00 223 lượt xem

BP - Hội đồng già làng là hoạt động riêng có của tỉnh Bình Phước, ban đầu thí điểm thực hiện tại huyện Lộc Ninh, sau đó được tổng kết và nhân rộng ra toàn tỉnh. Hội đồng già làng được thành lập ở những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy. Qua hơn 15 năm hoạt động, có thể khẳng định, hội đồng già làng thực sự là trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đồng bào các DTTS. Đặc biệt, hội đồng già làng luôn là điểm tựa của đồng bào trong phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, tích cực xây dựng phong trào cách mạng tại địa phương.

Tính đến tháng 4-2017, Bình Phước có 82 hội đồng già làng, phân bố ở 294/866 thôn, ấp, khu phố. Trong số 521 già làng, có 332 người là đồng bào S’tiêng, 26 Mơnông, 66 Khơme, 37 Tày, 36 Nùng, 9 Hoa, 2 Chăm, 2 Kinh và 11 dân tộc khác. Bình quân mỗi hội đồng có 6,35 già làng. Từ khi đi vào hoạt động, mô hình này rất được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Các hội đồng già làng được UBND cấp kinh phí hoạt động với định mức 0,6% mức lương cơ sở chung/tháng; được cấp không thu tiền Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Bình Phước, Bản tin Dân tộc thiểu số và miền núi. Các già làng còn được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hoặc tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, tết của các DTTS; hỗ trợ bảo hiểm y tế, xăng xe... Dịp đầu năm mới hằng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các huyện, thị xã đều tổ chức gặp mặt già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các DTTS. Các buổi gặp mặt này đều do thường trực tỉnh, huyện, thị ủy chủ trì với mục đích thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, địa phương; đồng thời lắng nghe các ý kiến kiến nghị, đề xuất của già làng, người có uy tín với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, vì sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.

Bình Phước hiện còn 38 xã khó khăn, 9 xã đặc biệt khó khăn, 15 xã biên giới, gồm trên 191 ngàn người là đồng bào DTTS, bằng 20,14% số dân toàn tỉnh. Điều đó càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng của các già làng trong đời sống đồng bào DTTS và “chiếc cầu nối vững chắc” với cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn mới, tiếng nói của già làng trong cộng đồng hết sức quan trọng, nhất là ở khu vực biên giới, vùng sâu, xa - nơi tiềm ẩn những bất ổn khó lường. Xác định tầm quan trọng đặc biệt này, ngày 14-4-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã ký Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ban hành đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đề án thống nhất về tên gọi: Già làng và người có uy tín trong đồng bào DTTS. Theo đó, công nhận và phê duyệt danh sách mỗi thôn 1 già làng tiêu biểu xuất sắc và được hưởng chế độ đãi ngộ ngang bằng với người có uy tín (trong tỉnh hiện có nhiều người vừa là già làng vừa là người có uy tín). Đây là bước đi rất cần thiết, khắc phục được mặt hạn chế về tổ chức và hoạt động của hội đồng già làng; phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của thế lực thù địch nhằm thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108641

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu