Thứ 6, 19/04/2024 07:30:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:30, 18/02/2017 GMT+7

Vai trò người đứng đầu cấp ủy trong tự phê bình và phê bình

Thứ 7, 18/02/2017 | 08:30:00 2,794 lượt xem

BP - Sau khi Bộ Chính trị có văn bản chỉ đạo về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, thời điểm này, từ Trung ương tới các địa phương đang tập trung cao độ cho công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tại Bình Phước, nhìn vào lịch làm việc của Tỉnh ủy từ sau tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, thấy dày đặc các hoạt động của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự kiểm điểm tự phê bình và phê bình tại các sở, ngành, huyện, thị, đơn vị. Trước đó, vào thời điểm cận tết Nguyên đán, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tập trung kiểm điểm tập thể và từng thành viên trong ban một cách nghiêm túc, kỹ càng đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.

TỪ CĂN BỆNH SỢ PHÊ BÌNH

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng công tác tự phê bình và phê bình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Điều quan trọng là phải mạnh dạn nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Người từng ví việc che giấu khuyết điểm giống như “giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”. Và Người khẳng định: “Thang thuốc hay nhất là tự phê bình và phê bình”, trong đó phải tự phê bình mình trước rồi phê bình người sau. Như vậy, Đảng, Bác coi việc phê bình là việc làm hết sức bình thường và thường xuyên trong sinh hoạt đảng.

Các đại biểu dự hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII tại hội trường tỉnh - Ảnh: Hoàng Thu

Thế nhưng thực tế là ở nhiều chi, đảng bộ, khi thấy có cấp ủy cấp trên về dự phê bình thì từ người đứng đầu cấp ủy đến cả tập thể cấp ủy và toàn thể đảng viên tỏ ra căng thẳng, e ngại. Thậm chí có cơ sở đảng tự nhận thấy những mặt hạn chế của mình trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhưng thay vì thẳng thắn thừa nhận và đề nghị cấp trên giúp đỡ khắc phục yếu kém thì lại tìm cách che giấu. Khi được cấp trên chỉ ra thì lại bao biện, né tránh. Ở góc độ của những “người trong cuộc”, có rất nhiều trường hợp góp ý, phê bình sau lưng, thậm chí nói xấu thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan tại các quán cà phê, quán nhậu. Nhưng khi tổ chức họp để phê bình, góp ý đối với thủ trưởng thì tất cả im lặng, khen nhiều hơn chê. Nếu có khuyết điểm thì cũng chỉ nêu những điều nhỏ nhặt, như “nóng tính, còn nể nang, chưa thật nghiêm khắc xử lý vi phạm của cấp dưới”... Chính vì thế mà nhiều vị thủ trưởng cơ quan không nhận thấy những sai lầm, khuyết điểm của mình trong quản lý, điều hành hoạt động cơ quan, làm cho khuyết điểm sau chồng lên khuyết điểm trước, dẫn đến hậu quả xấu và rất khó khắc phục.

ĐẾN VIỆC LỢI DỤNG PHÊ BÌNH

Với Đảng ta, mục đích của phê bình là nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết trong Đảng. Và để đạt được mục đích đó thì phê bình và tự phê bình phải được thực hiện nghiêm túc và có văn hóa. Thái độ văn hóa trong tự phê bình và phê bình là thành khẩn, trung thực và xây dựng. Mạnh dạn công khai tự phê bình, có khuyết điểm thì phải nói hết, cho dù đó là việc làm khó khăn bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng thừa nhận cái sai, cái kém của mình sẽ làm mất uy tín, danh dự, ảnh hưởng xấu tới địa vị hiện tại.

Dù Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác tư tưởng của Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tự phê bình và phê bình, nhưng không thể phủ nhận một thực trạng là hiện nay, thái độ né tránh hoặc qua loa, hình thức trong phê bình, tự phê bình khá phổ biến và thường có xu hướng đổ lỗi cho khách quan hoặc sự hạn chế về nhận thức. Trong nhiều “vụ án ngàn tỷ” thời gian gần đây, có những người vi phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản lớn của nhà nước, nhưng khi bị cơ quan pháp luật xét xử cũng chỉ nhận khuyết điểm là do hạn chế về nhận thức. Bên cạnh sự né tránh, đổ lỗi là thái độ trông trước ngó sau, đón ý cấp trên để phê bình cho “trúng” hoặc xem người khác nói gì rồi hùa theo. Một tình trạng nữa là có những người lợi dụng phê bình làm công cụ để hạ bệ người không cùng “phe cánh”. Phê bình không khách quan, không kịp thời nhắc nhở đồng chí, đồng nghiệp mà “tích lũy khuyết điểm” của người khác để kết tội. Với “chiếc áo” phê bình, họ kéo bè, kéo cánh để công kích những người không ưa, gây mất đoàn kết nội bộ, làm rối loạn cơ quan, đơn vị...

VÀ VAI TRÒ NÊU GƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Có thể nói, công tác phê bình, tự phê bình ở nhiều nơi hiện chưa đạt hiệu quả như Trung ương mong muốn. Rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong thời gian qua nhưng chủ yếu phát hiện qua kênh báo chí hoặc đơn thư tố cáo của công dân. Hãn hữu lắm mới có vài vụ được làm rõ thông qua công tác phê bình và thường chỉ là những vụ việc không nghiêm trọng.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Đảng ta đã nhận định: Tình trạng nể nang, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật đang là căn bệnh của nhiều tổ chức đảng. Một số cấp ủy và cán bộ chủ chốt chưa thực sự gương mẫu trong công tác và sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này, cần nâng cao tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, phát huy dân chủ thực sự. Cần xử lý nghiêm những biểu hiện thành kiến, trù dập người dám phê bình và có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những người lợi dụng phê bình để chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, phá hoại Đảng.

Đã từ lâu, 4 nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh như: phê bình với động cơ trong sáng; có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng; có phương pháp tốt và có tinh thần chân thành, cầu thị đã được các cấp ủy đảng nằm lòng. Tuy nhiên, có một thực tế là nơi nào bí thư cấp ủy thực sự gương mẫu, tự giác làm gương, chủ động tự phê bình và khách quan trong phê bình cấp dưới sẽ tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, tin tưởng trong tổ chức. Ngược lại, nơi nào người đứng đầu không trung thực, không sẵn sàng tự phê bình thì chắc chắn chất lượng sẽ rất thấp.

Hy vọng đợt tự phê bình và phê bình gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) sẽ tạo nên sự chuyển biến thực sự tích cực trong toàn Đảng, toàn dân về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng.

Linh Tâm

  • Từ khóa
1328

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu