Thứ 5, 18/04/2024 09:51:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:39, 28/11/2018 GMT+7

Vai trò của nhân lực trong bộ máy đối với cải cách hành chính

Thứ 4, 28/11/2018 | 08:39:00 4,193 lượt xem
BP - Để thực hiện chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hay nói một cách tổng quát là để thực hiện cải cách hành chính, thì một trong những vấn đề cần phải xác định là nguồn nhân lực của tổ chức hành chính nhà nước đóng vai trò như thế nào trong quá trình cải cách ấy.

Ở bất cứ quốc gia nào cũng không thể nói tới phát triển kinh tế nếu như không có một nền hành chính hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, cải cách hành chính ngày nay đang diễn ra trên bình diện toàn cầu. Mặc dù lý do để tiến hành cải cách không hoàn toàn giống nhau ở mỗi quốc gia, nhưng tất cả đều chung mục đích hướng tới là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Phạm vi, hình thức và các biện pháp thực hiện cải cách cũng rất đa dạng. Một số nước tập trung vào cải cách một số lĩnh vực nhất định trong khi các nước khác lại thực hiện cải cách với quy mô lớn và phạm vi rộng hơn.

Cải cách hành chính làm cho chức năng của nhà nước thay đổi, tập trung nhiều hơn vào hoạt động quản lý vĩ mô. Cùng với đó là yêu cầu của người dân ngày càng cao hơn và phức tạp hơn đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Điều này đòi hỏi cán bộ, công chức phải có phẩm chất, năng lực làm việc tốt và có động cơ làm việc tích cực phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân.

Ở nước ta, cải cách hành chính được đặt ra như một đòi hỏi khách quan để tạo tiền đề và thúc đẩy cải cách kinh tế, đồng thời xây dựng được những điều kiện cần thiết để có thể tận dụng được mọi cơ hội của hội nhập và phát triển kinh tế. Cải cách hành chính nước ta là xây dựng một hệ thống hành chính tạo ra điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng một nhà nước thật sự “của dân, do dân, vì dân”.

Sự vận hành nền kinh tế theo các quy luật của thị trường sẽ tác động sâu sắc và đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ vai trò, chức năng của nhà nước nói chung và của nền hành chính nhà nước nói riêng, đòi hỏi phải chuyển mạnh từ nền hành chính “quản lý” sang nền hành chính “phục vụ”, xóa bỏ triệt để cơ chế “xin - cho”, khắc phục sự can thiệp trực tiếp, tùy tiện vào các hoạt động của doanh nghiệp, tôn trọng và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Kinh tế thị trường đòi hỏi nhà nước và nền hành chính phải thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế đất nước, phải đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác nhau, tạo ra “sân chơi”, “luật chơi” phù hợp với quy luật của thị trường và thực hiện tốt vai trò của người trọng tài khách quan, công bằng trong việc kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật, chính sách của các chủ thể tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.

Để đạt được những điều đó, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu để thực hiện. Và trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã xác định mục tiêu cải cách hành chính với trọng tâm là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước nói chung và hành chính nhà nước nói riêng, xét cho cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu suất công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, tức là quyết định bởi con người. Vì thế, có thể khẳng định nguồn nhân lực trong bộ máy, hay nói cách khác, công chức nhà nước được đào tạo nghiêm túc, có đủ phẩm chất, năng lực là yếu tố có tính quyết định trong cải cách hành chính đạt kết quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.

H.Nguyên

  • Từ khóa
24367

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu