Thứ 6, 29/03/2024 13:02:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:08, 22/08/2019 GMT+7

Vai trò của hậu cần nghề cá

Thứ 5, 22/08/2019 | 13:08:00 3,298 lượt xem
BP - Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu kilômét vuông, gấp 3 lần diện tích đất liền, với 28 tỉnh, thành phố có biển. Cả nước có khoảng 15,5 triệu người sống gần bờ biển và hàng trăm ngàn người sinh sống tại các hòn đảo. Đây là lực lượng đông đảo thường xuyên bám biển, mưu sinh và phát triển nghề thủy sản. Trong chiến lược phát triển nghề cá của Trung ương và các địa phương luôn đặt vấn đề hậu cần nghề cá (cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão...) ở vị trí trọng tâm, là bản lề cho mọi hoạt động của ngành thủy sản.

VÀI NÉT VỀ HẬU CẦN NGHỀ CÁ

Đặc điểm nghề đánh cá của ngư dân nước ta là gồm nhiều thành phần, nhiều trình độ và tính chất khác nhau. Cơ cấu nghề khai thác hải sản được phân chia tới 26 nghề (nghề rê 31%, lưới kéo 19%, câu 18%...). Tuy nhiên, điểm yếu kém của nghề đánh bắt ngư dân nước ta phần lớn là tàu thuyền công suất nhỏ, khai thác gần bờ, khiến nguồn lợi suy giảm mạnh và hiệu quả xuất khẩu không cao. Cả nước hiện có 83/125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp với tổng công suất khoảng 1,8 triệu tấn thủy sản qua cảng/năm. Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền cũng đã được quan tâm đầu tư nâng cấp. Trong xu thế phát triển các loại mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá, vấn đề đảm bảo mô hình hoạt động hiệu quả, duy trì sự ổn định là hết sức cần thiết. Do đó, hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá có chiều hướng phát triển ở các tỉnh có biển. Mỗi địa phương có những mô hình, hoạt động khác nhau nhưng đều vì mục đích mang lại lợi nhuận và duy trì thời gian tàu hoạt động trên biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.

Một góc cảng cá ở thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) - Ảnh: S.H

Dịch vụ hậu cần thủy sản là hoạt động phục vụ phát triển nghề cá, được coi như là “hậu phương” của kinh tế thủy sản. Vì vậy, đầu tư đúng mức cho hoạt động hậu cần nghề cá chính là đầu tư cho sự phát triển kinh tế ngành thủy sản. Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá một cách hiệu quả đồng nghĩa với việc tạo dựng được điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, vươn khơi. Không những thế, dịch vụ hậu cần nghề cá còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương trên bờ. Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng khai thác hải sản bình quân hằng năm của ngành thủy sản. Tuy vậy, theo các chuyên gia, dịch vụ hậu cần nghề cá ở nước ta nhiều nơi hiện vẫn chưa được quy hoạch bài bản, quản lý còn lỏng lẻo, chất lượng công trình và các điều kiện vệ sinh môi trường chưa tốt, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phát triển của ngành thủy sản.

NHỮNG HẠN CHẾ

Theo Tổng cục Thủy sản, đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền ở một số vùng biển nước ta thời gian qua còn nhiều hạn chế. Vốn đầu tư xây dựng hằng năm thấp, thiếu nguồn nhân lực, thiếu kinh phí cho quá trình sửa chữa định kỳ. Tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, mô hình quản lý cảng cá, khu neo đậu chưa thống nhất trong toàn quốc... Hầu hết cảng cá hiện nay được xây dựng từ lâu nên thiếu nhiều hạng mục theo quy định tại Điều 78 Luật Thủy sản năm 2017. Điển hình như: Các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa; hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện, nước, hệ thống phòng chống cháy nổ... chưa bảo đảm, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, đồng thời không phù hợp để các tàu có công suất và chiều dài lớn cập cảng. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nhiều nơi vẫn còn thiếu. Cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá còn ít, phân tán, thiếu quy hoạch và đầu tư, trình độ công nhân chưa cao. Công nghiệp phụ trợ phục vụ khai thác hải sản còn nhỏ lẻ, manh mún. Hoạt động hậu cần phục vụ khai thác hải sản trong thu mua, kinh doanh nguyên liệu hải sản chưa mang tính hệ thống. Công tác bảo quản sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa được chú trọng...

Tháng 3-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 346/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Theo đó, đến năm 2020 sẽ có hơn 200 cảng cá, bến cá, với tổng lượng thủy sản qua cảng, bến là 2.360.000 tấn/năm. Trong đó, tuyến bờ 178 cảng cá và bến cá, với tổng lượng thủy sản qua cảng và bến là 2.145.000 tấn/năm; tuyến đảo có 33 cảng cá và bến cá, với tổng lượng thủy sản 215.000 tấn/năm.

Từ thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những định hướng đầu tư toàn diện dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Theo đó, bộ sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, kết hợp với dịch vụ hậu cần tại các cảng cá, khu neo đậu theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng các cảng cá loại I (tổng lượng hàng qua cảng đạt khoảng 1,37 triệu tấn/năm), các khu neo đậu cấp vùng (tổng công suất đáp ứng khoảng 36 ngàn tàu vào neo đậu), hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển, đảm bảo yêu cầu giám sát hơn 30 ngàn tàu cá có chiều dài trên 12m...

Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là một trong những nhiệm vụ của ngành thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc đầu tư cho hậu cần nghề cá là xu thế tất yếu nhằm nâng cao năng lực cho ngành thủy sản cả nước, có tính chất quyết định chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão làm cơ sở tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt theo đúng kế hoạch. Đây cũng là việc làm tích cực nhằm góp phần để nhanh chóng gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC.  (*)

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo nguồn thuysanvietnam.com.vn

  • Từ khóa
111421

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu