Thứ 6, 29/03/2024 15:39:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:34, 23/05/2012 GMT+7

Người dân khu phố 5, phường Thác Mơ: Mong sớm được cấp sổ đỏ

Thứ 4, 23/05/2012 | 15:34:00 572 lượt xem

Theo báo cáo số 202/TN&MT-CT, ngày 19-8-2011 của Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Phước Long trả lời kiến nghị cử tri, khu phố 5, phường Thác Mơ có dân sinh sống và canh tác trước khi thi công Nhà máy Thủy điện Thác Mơ (gọi tắt là nhà máy). Từ năm 1990 đến 1994, nhà máy tiến hành đền bù cho các hộ dân có đất sinh sống và canh tác để xây dựng công trình nên khu vực này thuộc Ban quản lý công trình Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận, Công ty Điện lực 2 - Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công thương). Do đó, đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân khu phố 5 không thể xem xét giải quyết vì diện tích này thuộc đất của nhà máy theo Quyết định 218/TTg, ngày 10-5-1993 của Thủ tướng Chính phủ.

Người dân khu phố 5 tận dụng nguồn nước từ lòng hồ để nuôi trồng thủy sản

Tuy nhiên, người dân sinh sống ở khu phố 5 không đồng tình với quyết định này vì cho rằng, đất của họ đang ở và canh tác không nằm trong vùng xả lũ, không ảnh hưởng đến các hạng mục công trình của nhà máy. Ông Nguyễn Văn Nhật, Trưởng khu phố 5 cho biết, do đất đai màu mỡ nên ngay từ khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, những phần đất không ảnh hưởng đến công trình đều đã có người sinh sống. Hiện khu phố có 229 hộ, với gần 980 người và phần lớn người dân đều đến đây lập nghiệp từ những năm 1992-1996. Mặc dù đã có chủ trương bàn giao diện tích đất không ảnh hưởng đến công trình cho địa phương quản lý từ lâu, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa thực hiện nên đất của người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Vì vậy, người dân không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, không được tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Không những vậy, nhiều hộ còn không dám xây nhà khang trang, dù họ có đủ điều kiện nên tiếng là khu phố nhưng chẳng có dáng vẻ gì của phố.

Ông Phạm Văn Tuyên đứng trên tuyến đường chính của khu phố, chỉ vào căn nhà của mình nói: “Nước của hồ mà ngập được đến chân nhà tôi, có lẽ cả thị xã sẽ chìm trong biển nước. Người dân ở đây đều dựa vào sản xuất nông nghiệp để mưu sinh, nếu đất chúng tôi ở và canh tác không ảnh hưởng đến các hạng mục công trình của nhà máy thì cũng mong Nhà nước tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống”.

Được biết, ngày 31-3-1999, Tổng công ty Điện lực Việt Nam có Công văn số 1518 EVN/KTND-KH gửi Giám đốc nhà máy về việc bàn giao đất công trình. Công văn nêu rõ, diện tích đất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 218 giao cho Ban quản lý công trình Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận xây dựng các hạng mục công trình nhà máy là 1.460 ha. Công trình đã được đưa vào vận hành nên một phần diện tích đất không nằm trong phạm vi các công trình, cận công trình của nhà máy và không ảnh hưởng tới hoạt động trong giai đoạn vận hành thì có thể bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Sau khi có chỉ đạo từ Tổng công ty, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ đã có Công văn số 100 EVN/TM-TC, ngày 4-10-2000 gửi Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) về việc bàn giao diện tích nằm trong vùng không bị ảnh hưởng cho địa phương quản lý. Theo công văn này, các hạng mục công trình của nhà máy trong diện tích 1.460 ha được phê duyệt theo Quyết định 218/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Một số diện tích xung quanh các hạng mục người dân lấn chiếm đang canh tác trồng cây lâu năm, qua khảo sát thực tế phần diện tích này nằm xa các hạng mục công trình (ít ảnh hưởng đến quá trình vận hành của nhà máy). Nhà máy đang tiến hành khảo sát, xác định cao, tọa độ các mốc giới và làm thủ tục để bàn giao lại cho địa phương quản lý phần diện tích nằm ngoài hành lang an toàn của các hạng mục công trình trong số 1.460 ha. Điều đó cho thấy, dù chủ trương đã có từ hơn 10 năm trước, nhưng nhà máy vẫn chưa có động thái tích cực nào trong việc xác định diện tích đất nằm ngoài hành lang an toàn của các hạng mục để bàn giao cho địa phương.

Ông Mai Phước, Chủ tịch UBND phường Thác Mơ thừa nhận, đa số người dân ở khu phố 5 đã và đang làm ăn, sinh sống ổn định nhưng do đất không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân cũng như việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông mong muốn nhà máy và các ngành chức năng sớm cùng phường và khu phố khảo sát thực địa khu vực nhân dân đang ở và làm ăn sinh sống để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hướng giải quyết. Những phần đất không ảnh hưởng đến các hạng mục công trình của nhà máy nên bàn giao lại để địa phương xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tạo mỹ quan đô thị chung cho toàn phường.

Lâm Phương

  • Từ khóa
92031

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu