Thứ 6, 29/03/2024 16:49:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:33, 02/10/2014 GMT+7

Ủy ban Tư pháp Quốc hội trả lời kiến nghị của cử tri Bình Phước

Thứ 5, 02/10/2014 | 09:33:00 1,319 lượt xem
BP - Sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước (do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến) về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực do Ủy ban Tư pháp phụ trách. Ủy ban Tư pháp xin trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri như sau:

Cử tri phường Thác Mơ, thị xã Thác Mơ (Phước Long) kiến nghị tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội  - Ảnh: L.P

Cử tri kiến nghị: Tăng cường các chế tài, hình phạt với tội mua bán phụ nữ và trẻ em vì các quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự (BLHS) chưa đủ sức răn đe, trong khi đó tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em ở nông thôn diễn biến ngày càng phức tạp.

Trả lời: Ủy ban Tư pháp nhận thấy, các Điều 119 về “Tội mua bán người”, Điều 120 về “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” của BLHS đã quy định mức hình phạt tương đối nghiêm khắc, cao nhất đến 20 năm tù đối với tội mua bán người hoặc chung thân đối với tội mua bán trẻ em. Ngày 29-3-2011, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống mua bán người, trong đó quy định cụ thể việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.

Ủy ban Tư pháp cho rằng để hạn chế tình trạng mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em thì trước hết cần thực hiện nghiêm các quy định trong Luật Phòng chống mua bán người, tăng cường công tác phòng ngừa các điều kiện phát sinh tội phạm. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban Tư pháp sẽ nghiên cứu, xem xét thận trọng về đề nghị tăng nặng hình phạt đối với các tội danh này trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý BLHS (sửa đổi) trong thời gian tới.

Cử tri kiến nghị: Tăng chế tài, hình phạt đối với nhóm tội phạm về tham nhũng để xử lý nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng.

Trả lời: Theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26-11-2011 của Quốc hội thì dự án BLHS (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình thẩm tra dự án BLHS (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp sẽ nghiên cứu thận trọng việc tăng nặng hình phạt đối với một số loại tội phạm về tham nhũng, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, phù hợp với yêu cầu của Đảng và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cử tri thị xã Bình Long kiến nghị tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội

Cử tri kiến nghị: Xem xét, sửa đổi Luật Tổ chức tòa án nhân dân hiện hành theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ trách nhiệm của thẩm phán, nhất là trong việc giải quyết, xét xử các vụ án dân sự.

Trả lời: Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), trong đó có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của thẩm phán.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), trong đó chú trọng quy định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm của thẩm phán để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Cử tri kiến nghị: Quốc hội tăng cường giám sát đối với công tác điều tra, truy tố và xét xử, kiên quyết xử lý người có trách nhiệm đã để xảy ra oan, sai và yêu cầu sớm bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho người bị oan, sai.

Trả lời: Ủy ban Tư pháp nhận thấy, thời gian qua Quốc hội đã quan tâm, tăng cường công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp...

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23-11-2012 về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27-11-2013 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Qua đó, đã nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, đồng thời là một trong những căn cứ để Quốc hội giám sát tốt hơn nữa hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần hạn chế tình trạng oan, sai trong tố tụng.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và kết quả thực hiện các Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23-11-2012 và Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27-11-2013 của Quốc hội ở các cơ quan tư pháp để góp phần hạn chế tình trạng điều tra, truy tố, xét xử oan, sai, đồng thời kiến nghị Quốc hội tiếp tục ban hành nghị quyết nếu cần thiết.

Cử tri kiến nghị: Quốc hội giám sát chặt chẽ các vụ án lớn trong quá trình xét xử từ năm 2013 đến nay và một số vụ án đang gây bức xúc đối với xã hội trong thời gian qua.

Trả lời: Trong chương trình công tác hàng năm, Ủy ban Tư pháp đều xác định giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có giám sát các vụ án lớn được dư luận cử tri quan tâm là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Ủy ban Tư pháp sẽ tăng cường hơn nữa công tác giám sát về nội dung này.

Cử tri kiến nghị: Tăng cường công tác giám sát đối với cán bộ có chức vụ, nhất là cấp cao và có biện pháp xử lý kiên quyết hơn nữa.

Trả lời: Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức đơn vị của mình quản lý, phụ trách đã quy định nhiều biện pháp xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu (trách nhiệm trực tiếp và trách nhiệm liên đới) khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý để làm căn cứ xem xét, xử lý.

Cử tri kiến nghị: Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và đánh giá hiệu quả, hiệu lực của các quy định về phòng, chống tham nhũng khi triển khai trong thực tiễn.

Trả lời: Từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 có hiệu lực đến nay, nhiều nội dung đã được Chính phủ hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 1-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8-8-2013 quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao...

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp sẽ tăng cường tổ chức giám sát văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời kiến nghị các cơ quan tư pháp trung ương khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, chính sách hình sự trong xử lý các tội phạm về tham nhũng, chức vụ theo hướng xử lý nghiêm minh, hạn chế áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo; hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của BLHS có tính định lượng (gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu lợi bất chính lớn, vụ lợi...); đồng thời kiến nghị Quốc hội nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm và tính độc lập của các cơ quan trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Cử tri kiến nghị: Tăng cường công tác giám sát tối cao đối với việc xét xử các vụ án tham ô, tham nhũng lớn hiện nay, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội.

Trả lời: Thời gian qua, Ủy ban Tư pháp đã có nhiều cố gắng nâng cao hiệu quả giám sát công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Ủy ban Tư pháp sẽ tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác này, bảo đảm phát hiện, xử lý nghiêm minh người có hành vi tham nhũng, từng bước đẩy lùi tham nhũng, đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của cử tri.

Trên đây là ý kiến của Ủy ban Tư pháp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực do Ủy ban Tư pháp phụ trách. Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của cử tri đến những lĩnh vực hoạt động thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban Tư pháp.

Phó chủ tịch: Lê Thị Nga

  • Từ khóa
11807

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu