Thứ 3, 23/04/2024 17:18:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:28, 27/06/2016 GMT+7

Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp giữ chủ quyền biển đảo

Thứ 2, 27/06/2016 | 16:28:00 713 lượt xem
BPO - Sáng 27-6, tại TP Đà Nẵng, Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 9 (khóa VIII) Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam chính thức khai mạc với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương...

Đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vui mừng trước sự kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra thành công tốt đẹp, trong đó có vai trò đóng góp trực tiếp quan trọng của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam các cấp và Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam. Sự thành công của Đại hội Đảng và kế tiếp là thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã góp phần củng cố niềm tin, sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự đổi mới, phát triển của đất nước. 


Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; tăng trưởng kinh tế chịu tác động tiêu cực bởi diễn biến bất lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu và tác động của ô nhiễm môi trường biển; sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản tăng cao hơn cùng kỳ năm trước; tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng vẫn gia tăng; đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị sự cố môi trường biển còn gặp nhiều khó khăn; tình hình biển Đông diễn biến phức tạp…

“Những khó khăn, thách thức tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và những diễn biến trong đời sống nhân dân sẽ gắn liền với những yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban MTTQ VN các cấp trong thời gian tới” -  Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Hội nghị lần này, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, sẽ tập trung thảo luận và cho ý kiến vào các nội dung: góp ý vào dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm 2016; góp ý và thông qua Chương trình hành động của MTTQ VN thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng; bổ sung nội dung và góp ý để hoàn thiện Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam về tình hình nhân dân và đất nước trong 6 tháng đầu năm 2016. Sau khi tiếp thu hoàn thiện, báo cáo sẽ được gửi đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và kết hợp với báo cáo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ nhất vào cuối tháng 7-2016.

Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận chuyên đề về phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chương trình đánh giá sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công; chương trình giám sát việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. 


Hình ảnh cho thấy hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về giữ chủ quyền biển, đảo

Trình bày báo cáo ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam về tình hình nhân dân và đất nước 6 tháng đầu năm 2016, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, bên cạnh những thành tựu còn nhiều vấn đề mà nhân dân và dư luận rất quan tâm, lo lắng như: nền kinh tế đất nước phát triển chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm và năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm nông nghiệp thiếu tính cạnh tranh, tiêu thụ khó khăn; tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm diễn ra ngày càng phổ biến; tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động; vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp và đáng lo ngại,... Việc cá chết bất thường ở miền Trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống nhân dân, gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân.

Tình hình chính trị quốc tế như hoạt động khủng bố, chạy đua vũ trang, cạnh tranh giữa các nước lớn diễn biến phức tạp. 


Quang cảnh buổi hội nghị

Đặc biệt, việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, từng bước thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông, đe dọa hoà bình, ổn định trong khu vực, gây lo lắng, bất bình trong nhân dân.

Vì vậy, nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảo giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia vừa đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định. Sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực. Xây dựng và hiện đại hoá lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, nhất là ở một số vùng biển, đảo có vị trí chiến lược kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Đồng thời, tiếp tục đối thoại tìm các giải pháp hoà bình, tham gia Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển đảo. Thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hoá trên biển, nhất là ở một số vùng biển, đảo có vị trí chiến lược kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. 

Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái do hoạt động sản xuất và sinh hoạt con người gây ra, tình trạng phá rừng, khai khoáng bừa bãi... cũng gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, nhân dân mong muốn Chính phủ có giải pháp tích cực, cụ thể giải quyết hậu quả tình trạng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung cả về trước mắt và lâu dài để đảm bảo cuộc sống, mưu sinh của người dân và sự phát triển của khu vực; Gấp rút chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp nghiêm túc kiểm tra, xử lý nghiêm  các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đảm bảo môi trường sống trong lành cho nhân dân. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cấp bách phòng chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như đề ra các biện pháp căn cơ, lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
16011

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu