Thứ 6, 29/03/2024 01:09:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:01, 27/04/2016 GMT+7

Ươm mầm tri thức ở vùng biên

Thứ 4, 27/04/2016 | 15:01:00 434 lượt xem
BP - Thầy giáo đến lớp không có tiền lương hay phụ cấp; học viên không đồng đều về độ tuổi; địa điểm tổ chức lớp học là căn nhà tạm ở những thôn, ấp vùng sâu, xa, đường sá đi lại khó khăn; thời gian học vào ban đêm và thứ bảy, chủ nhật... Tất cả điều đó khiến chúng tôi cảm phục những thầy giáo mang quân hàm xanh đang miệt mài “gieo chữ” nơi biên giới đầy gian khó.

Học viên lớp học thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng có độ tuổi, trình độ khác nhauHọc viên lớp học thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng có độ tuổi, trình độ khác nhau

Hành trình bám lớp

“Khu vực biên giới có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung; đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, chỉ lo lao động kiếm sống, không quan tâm đến việc học chữ... Để mở được lớp học, hằng năm các đồn biên phòng thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đều tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng người mù chữ, tái mù chữ, học sinh bỏ, nghỉ học, nhu cầu học tập của người dân và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở khu vực biên giới. Khó khăn nhất là vận động học viên ra lớp” - Thượng tá Nguyễn Văn Hiếu, Chính trị viên Đồn biên phòng Bù Đốp cho biết.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn trong gieo chữ vùng biên nhưng hành trang lên lớp của những thầy giáo quân hàm xanh không có gì khác ngoài 6 chữ “Nhiệt tình, kiên trì, chân thành”. Nhiệt tình trong vận động học viên đến lớp, kiên trì bám lớp và chân thành chia sẻ khó khăn với học viên.

Để bám lớp, bám địa bàn, người lính biên phòng phải thông thuộc đường làng, ngõ xóm, từng hoàn cảnh gia đình để chia sẻ, vận động học viên đến lớp. Một nguyên tắc nhất quán trong 10 năm làm nghề gieo chữ vùng biên của Thượng úy Phạm Đình Luận, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Tà Pét là không được phép nghỉ dạy dù lớp chỉ có một học sinh. “Nếu mình nghỉ dạy hôm đó thì bữa sau các em sẽ thường xuyên nghỉ học. Sau những buổi có học sinh vắng là thầy phải đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, vận động học viên ra lớp. Tập quán của đồng bào S’tiêng thường đi rẫy từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Vì thế khi mở lớp, tôi phải xếp học sinh lớn tuổi học ca từ 7-9 giờ để có thời gian đi rẫy, phụ ba mẹ, những em nhỏ tuổi học từ 9 giờ” - thầy Luận chia sẻ.

Thầy Ngô Minh Đức ở Đồn biên phòng Bù Đốp phụ trách XMC và PCGDTH ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) hơn 10 năm, chia sẻ: Để thuận lợi vận động học viên đến lớp và gắn bó với địa bàn, tôi phải mượn phòng thiết bị của điểm trường thôn Thiện Cư để ở. Trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao duy trì sĩ số, các em đến lớp đều đặn, do đó việc thầy giáo đến nhà chở học viên đi học là chuyện bình thường. Thời gian đầu, thôn chưa có điện, tối đến tôi mở đầu đĩa chiếu phim để tập trung bà con lại xem giải trí, sau đó mới vào lớp học. Nhờ vậy mà duy trì lớp đến bây giờ.

Đường đến thôn 7 bụi mù vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa, nhưng thầy Phạm Văn Trung, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Bù Đốp vẫn gắn bó với 40 học viên từ năm 2013 đến nay. “Bộ đội biên phòng luôn phối hợp với người dân giữ gìn an ninh biên giới, tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm trên địa bàn. Nhưng vui nhất vẫn là mở được hai lớp xóa mù chữ giúp người dân biết con chữ, ý thức hơn trong giữ gìn an ninh biên giới” - ông Bùi Xuân Thung, Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Thiện Hưng cho biết.

Những cống hiến lặng thầm

Lớp học XMC và PCGDTH ở biên giới được các thầy giáo quân hàm xanh gọi vui là lớp “Đại học” bởi nó chứa đựng nhiều hàm ý sâu xa. Thầy Đức cho biết, học viên không chỉ học chữ mà còn được trau dồi kiến thức văn hóa để xây dựng gia đình, tìm hiểu khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất... Là chủ gia đình có 6 người đang theo học lớp PCGDTH mức 2 do Đồn biên phòng Bù Đốp tổ chức, ông Điểu Đốc, Bí thư Chi bộ thôn Thiện Cư cho biết: “Nhờ lớp học này mà tôi viết được chữ, được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Tôi còn tiếp cận được các văn bản pháp luật, quy chế biên giới, kiến thức văn hóa để phổ biến và định hướng người dân trong thôn làm theo. Thầy Đức còn hướng dẫn cách soạn thảo văn bản nên giờ tôi đã viết được báo cáo, nghị quyết của chi bộ”.

5 năm qua, bên cạnh công tác XMC và PCGDTH, các đồn biên phòng còn phối hợp với hội phụ nữ xã, trường học vận động 217 học sinh bỏ học quay lại trường; vận động cán bộ, chiến sĩ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ 25 bộ bàn ghế, tặng 987 tập sách, xây 3 phòng học cùng 15 bộ máy vi tính, 8 bộ âmly loa đài, 150 suất học bổng và 23 xe lăn, tổng trị giá trên 650 triệu đồng. Hiện 15 đồn biên phòng dọc tuyến biên giới còn nhận đỡ đầu 15 cháu hoàn cảnh khó khăn với 500 ngàn đồng/cháu/tháng. 

Từ năm 2012-2015, các đồn biên phòng đã mở được 12 lớp XMC với 246 học viên. Trong đó, huyện Lộc Ninh 3 lớp/61 học viên và huyện Bù Đốp 9 lớp/185 học viên. Lực lượng biên phòng còn phối hợp với 15 xã biên giới thúc đẩy hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng bằng những hoạt động cụ thể, như bồi dưỡng chính trị cho 13.820 lượt người, mở 32 lớp tập huấn về nông nghiệp, 14 lớp tập huấn về y tế với 579 lượt người tham gia…

N.Bích

  • Từ khóa
85867

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu