Thứ 6, 29/03/2024 07:11:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:34, 25/01/2014 GMT+7

“Cây đại thụ” ở núi rừng Bù Đăng

Thứ 7, 25/01/2014 | 15:34:00 233 lượt xem

Đó là cụ Lương Văn Nho (97 tuổi), dân tộc Nùng, trú tại thôn Phước Quang, xã Phước Sơn (Bù Đăng). Năm 1942, cụ tham gia tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh), với nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng, dẫn đường, đưa đón, bảo vệ cán bộ về hoạt động bí mật tại xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định (Lạng Sơn).

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG, BẢO VỆ CÁN BỘ VIỆT MINH

Chúng tôi đến gặp cụ Lương Văn Nho khi cụ đang thu dọn mảnh vườn nhỏ trước sân nhà. Cụ bảo ngồi mãi một chỗ cũng mệt nên làm cho khuây khỏa. Dù tuổi cao sức đã yếu nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến Bác Hồ, nhắc đến cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đôi mắt cụ lại sáng ngời hạnh phúc. Cụ Nho nhớ lại: Chiến tranh đã qua lâu rồi nhưng những lúc nhắc tới, tôi lại bồi hồi xúc động. Những năm tháng hoạt động bí mật dẫn đường, bảo vệ cán bộ, xây dựng căn cứ cách mạng sẽ mãi là khoảng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Đồng đội của tôi ngày ấy giờ nhiều người đã mất. Tôi sống đến ngày nào thì còn kể cho các con, các cháu nghe về cách mạng.

Lần theo dòng hồi ức của cụ chúng tôi được biết, vào trưa ngày 2-3-1942, khi cụ mới đi làm rẫy về, chuẩn bị ăn cơm thì có 2 người xưng là cán bộ Việt Minh từ Thạch An, Cao Bằng được cấp trên cử xuống bản Riềng, xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Việt Minh và mời cụ tham gia hội (sau đó cụ mới biết 2 đồng chí tên Đàm Cảnh và Định Khoan). Biết được mục đích của hội cụ Nho đồng ý và đi vận động trong bản được 6 người tham gia. Tháng 4-1942, đồng chí Đàm Cảnh xuống nhà cụ kết nạp 7 người vào tổ chức hội, do cụ Nho làm tổ trưởng tổ hoạt động bí mật tại địa phương với nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, dẫn đường khi cán bộ xuống địa bàn họp bí mật, xây dựng căn cứ cách mạng. Cụ Nho nhớ lại: “Lễ kết nạp được thực hiện tại núi Khau Moọng - ngọn núi cao nhất trong vùng. Kết nạp xong, cả nhóm cắt máu ăn thề sống chết không đầu hàng, không tiết lộ cho giặc dù phải hy sinh”.


Cụ Lương Văn Nho lần giở lại những kỷ vật chiến tranh

Hoạt động một thời gian, tình hình chiến sự cam go, giặc Pháp biết có cán bộ cách mạng hoạt động tại đây. Chúng thường xuyên cho quân lính về đàn áp, lùng sục khắp nơi nhằm bắt những người theo cách mạng. Để bảo đảm an toàn cho cán bộ, cụ Nho cùng anh em trong tổ vào rừng sâu làm lán cho cán bộ trú ẩn và có chỗ để họp. Công tác gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lần suýt bị lộ vì sự khủng bố của kẻ thù. “Trong quá trình hoạt động có người làm phản, báo cho giặc biết ở xã Đoàn Kết có cán bộ Việt Minh đang hoạt động bí mật. Hôm sau một đoàn lính gần trăm người và ngựa, mang súng ống đến bắt người. Vì gấp quá không thể trốn kịp, tôi tương kế tựu kế mở tiệc cúng gia tiên mời tất cả già làng, trưởng bản đến nhà, làm như không biết chuyện gì. Quan Tây lùng sục khắp nơi không thấy nên rút quân về xuôi, còn kẻ phản bội sau đó bị trừng trị” - cụ Nho bồi hồi kể lại. Nhờ sự khôn khéo của cụ mà trong thời gian hoạt động bí mật từ năm 1942 đến 1945, tổ của cụ luôn làm tốt nhiệm vụ dẫn đường, đưa đón, bảo vệ cán bộ an toàn. “Trong quá trình hoạt động bí mật tại đây, tôi thường thấy một cụ ông tóc bạc, đi dép cao su, chống gậy nhiều lần đi qua đây, nhưng cứ tưởng là lính như mình. Sau này tôi nghe cán bộ nói đó là Bác Hồ” - cụ Nho xúc động.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Nho xung phong đi bộ đội, trực tiếp tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp. Năm 1952 vì lý do sức khỏe, cụ được cấp trên cho về địa phương tham gia đội sản xuất lương thực.

Tại địa phương, cụ Nho làm đội trưởng đội sản xuất, sau đó làm hội đồng nhân dân xã phụ trách công tác hộ tịch, hộ khẩu kiêm Phó công an xã Đoàn Kết. Đến năm 1973, cụ được phân công làm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp đến khi nghỉ hưu. Trong thời gian tham gia hoạt động sản xuất, cụ luôn là người hăng hái đi đầu, hoàn thành mọi chỉ tiêu được giao. Cũng vì thế mà lúc nào cũng đủ lương thực cung cấp cho tiền tuyến. Vì những cống hiến của cụ trong kháng chiến cũng như lao động sản xuất, cụ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều bằng khen, giấy khen.

TẤM GƯƠNG CHO CON CHÁU NOI THEO

Năm 2002, cụ Nho từ Lạng Sơn vào xã Phước Sơn (Bù Đăng) sống cùng con cháu.

Năm nay, cụ Lương Văn Nho đã hơn 97 tuổi. dù đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, sức yếu lại mắc bệnh huyết áp nhưng mỗi lúc ngồi quây quần bên con cháu, cụ lại kể những câu chuyện về một thời gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc. Đó là những bài học cụ luôn răn dạy con cháu phải nhớ và sống thật tốt, làm người có ích cho xã hội. Con cháu luôn lấy cụ làm gương phấn đấu trong công việc cũng như cuộc sống. Đến nay, cả 6 người con đều yên bề gia thất và đã lên chức ông, bà. Con của cụ người làm giáo viên, người công chức, người ở nhà làm kinh tế và đều có cuộc sống ổn định, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi.


Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ Nho vẫn hăng say lao động

Ông Lê Văn Thu, con trai cả của cụ cho biết: “Là người lính nên cụ sống rất cần kiệm, khiêm nhường, luôn nghĩ cho người khác. Cụ luôn dành thời gian quan tâm, bảo ban con cháu, ai sai thì phạt, ai làm tốt được cụ thưởng. Gia đình, họ hàng tôi luôn lấy cụ làm gương để bảo ban con cháu cố gắng”.

Ông Phan Bá Định, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết, cụ Lê Văn Nho là cán bộ lão thành cách mạng từ Bắc chuyển vào sinh sống cùng con cháu. Biết được sự cống hiến của cụ nên chính quyền xã rất quan tâm, thường xuyên động viên, hỏi thăm sức khỏe. Trong các dịp lễ, tết đều đến tặng quà, chúc cụ trường thọ để làm phúc cho con cháu.   

       Trung Thông

  • Từ khóa
48078

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu