Thứ 6, 19/04/2024 04:13:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:42, 09/05/2019 GMT+7

Tướng quân biên ải

Thứ 5, 09/05/2019 | 14:42:00 1,720 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, con thứ 3 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là vị anh hùng dân tộc. Trong lịch sử ngàn năm dựng nước, tại những vùng biên cương của Tổ quốc, các vương triều nước ta luôn cắt cử những vị tướng tài ra trấn giữ. Sau cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông thắng lợi rực rỡ lần thứ hai (1285), vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn càng nhận rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng biển đảo Đông Bắc. Đó cũng là lý do Trần Quốc Tảng, một vị tướng tài được cử ra trấn giữ vùng biên cương này.

Năm 1285, quân Nguyên - Mông xâm lược đất nước ta lần thứ 2. Được tin đại quân do Trần Hưng Đạo phải đối phó với thế mạnh như chẻ tre của giặc, rút về Vạn Kiếp, Trần Quốc Tảng liền mang quân của mình từ trang ấp riêng tại An Sinh (Đông Triều), cùng các cánh quân Hải Đông, Vân Trà, Bà Điểm hội binh, xin làm tiên phong đánh giặc. Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, Trần Quốc Tảng là dũng tướng có công nên được nhà vua khen tặng cấp đất lập trang ấp tại Tĩnh Bang (Quảng Ninh). Sau này, ông 2 lần được vua cắt cử ra Cửa Suốt trấn ải.

Sử sách có ghi Trần Quốc Tảng bị đày ra Tĩnh Bang vì tội bất trung, bất hiếu. Nguyên chỉ vì câu nói buột miệng khi đang họp, muốn nói sự mất đoàn kết trong nội tộc họ Trần - “Thù nhà chưa xong nói chi nợ nước”. Trong cuốn “Trần triều hiển thánh chính kinh tập biên”, in năm 1900 có chép như sau: Quốc Tuấn công cho rằng, con trai tính ưa cương dũng ấy (tức Trần Quốc Tảng), không theo đúng đạo làm con, bèn nổi giận lôi đình, đày ra cửa bể Suất Ti Tuần thuộc phủ Hải Ninh, lộ An Bang.

Thực ra, hành động của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đối với Trần Quốc Tảng bắt đầu từ nguyên do sâu xa là nội bộ hoàng tộc lục đục, bất hòa. Điển hình là Trần Liễu, cha của Trần Quốc Tuấn, ông nội Trần Quốc Tảng mâu thuẫn với Thái sư Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông. Trong cuốn “Trần triều thế phả hành trạng” đã chép việc đó, mà người phải hứng chịu chính là Trần Quốc Tảng như sau:

Khi An Sinh Vương Trần Liễu sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn và trăng trối rằng: Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt - ý nói Quốc Tuấn phải cướp được ngôi của nhà Trần để trả thù Trần Liễu bị Trần Thủ Độ ép buộc người vợ kế của mình đang có mang lấy Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông, em ruột của Trần Liễu. Trần Liễu phẫn uất, chiêu tập binh mã nổi dậy bên bờ sông Cái, chống lại Trần Thủ Độ, nhưng thất bại bị lột hết áo mũ. Quốc Tuấn để bụng, nhưng không bao giờ cho thế là phải.

Đến khi trở thành Quốc Công Tiết Chế, Tổng chỉ huy quân đội, nắm quyền tối cao, Quốc Tuấn đem lời cha dặn khi trước, hỏi ý kiến các tướng tâm phúc như: Yết Kiêu, Dã Tượng và con trai là Hưng Vũ Vương. Cả 3 người đều ngăn cản, khiến Quốc Tuấn rất mất lòng. Một hôm, Quốc Tuấn đem câu trăng trối của cha hỏi Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, ông bèn nói: Thái tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận cũng được thiên hạ. Quốc Tuấn nghe vậy bèn rút gươm kể tội Trần Quốc Tảng: Kẻ làm phản loạn là do ở đứa con bất hiếu, ý muốn giết Quốc Tảng. Hưng Vũ Vương nghe tin vội chạy đến kêu khóc xin cho Quốc Tảng, lúc đó Quốc Tuấn mới tha cho và bảo rằng: Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào.

Sau khi Hưng Nhượng Vương ra trấn giữ Cửa Suốt, năm 1288, quân Nguyên lại kéo sang xâm lược. Hưng Nhượng Vương xin triều đình lập công chuộc tội. Được chuẩn tấu, Hưng Nhượng Vương tiến quân, lập đồn ở Trắc Châu, huyện Thanh Lâm. Trải qua 3 ngày đêm, ông đem quân đánh thẳng vào trại của quân Nguyên đóng ở sông Bạch Đằng và chiến thắng oanh liệt. Từ đó, ông được cử làm Suất Ti Tuần Đại An, trấn giữ cửa bể Cửa Suốt. Do những công lao to lớn mà vua Trần Anh Tông (đồng thời cũng là con rể của Trần Quốc Tảng), phong ông tước hiệu Hưng Nhượng Vương.

Lời bàn:

Từ nội dung của giai thoại này một lần nữa cho hậu thế thấy được tài lãnh đạo xuất chúng của các vua Trần trong việc điều hòa những mâu thuẫn nội bộ, bằng cách khéo léo sử dụng nhân tài, độ lượng hơn người trong ứng xử, tin tưởng khi nhìn ra nhân cách trung hiếu lưỡng toàn của Hưng Đạo Vương. Và chỉ có Hưng Đạo Vương mới có thể phù nghiêng đỡ lệch để tháo gỡ những mâu thuẫn trong dòng họ nhà Trần. Và ai cũng biết, lợi ích của dòng họ là một phần trong ứng xử của nhà Trần. Song cũng chính vì đặc điểm này mà những mâu thuẫn, hiềm khích trong dòng tộc dễ dàng được thúc ước, chi phối lẫn nhau, buộc phải tạo ra những tình huống hóa giải, đặc biệt là trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm.

Và cũng từ những đặc điểm này mà phần nào có thể khái quát, hình thành một giá trị ứng xử có “tính cách dân tộc”, đó là tình đoàn kết, tương trợ và sự cân nhắc kỹ trước tình cảnh “nợ nước, thù nhà”, ở đó bao giờ yếu tố “nợ nước” cũng được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, điều này cũng thể hiện rõ kỷ cương, phép nước nhưng cũng chứa chan tinh thần khoan dung, độ lượng. Đặc biệt, khi đất nước trong cơn nguy biến, tình huynh đệ, nghĩa đồng bào đã hình thành nên một hào khí Đông A và sức mạnh của hào khí ấy đã tạo nên thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đồng thời khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc.           

N.D

  • Từ khóa
110179

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu