Thứ 3, 16/04/2024 21:22:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 08:15, 23/06/2017 GMT+7

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Thứ 6, 23/06/2017 | 08:15:00 154 lượt xem

BP - Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, trước khi được áp dụng vào thực tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều quy định trong bộ luật này có nhiều kẽ hở, thậm chí có sai sót. Vì vậy, ngày 29-6-2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 từ ngày 1-7-2016 đến ngày Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành. Và tại kỳ họp lần thứ 3, Quốc hội khóa XIV (vừa diễn ra tại Hà Nội), một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 91 của Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Khoản 2, Điều 12 của bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và Khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của bộ luật này;...

Theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây cho thấy, tại các buổi thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, những quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và có không ít những ý kiến trái chiều. Và do còn ý kiến khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án. Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2 là giữ nguyên nội dung như trong dự thảo luật do Chính phủ trình. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng, mà không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.

Về vấn đề này, theo suy nghĩ của cá nhân người viết bài thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được xây dựng dựa trên sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần của con người; trình độ phát triển về nhận thức xã hội; điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia trong từng thời kỳ. Do đó, sự khác biệt trong pháp luật của các quốc gia cũng phản ánh một sự thiếu đồng thuận trong cộng đồng quốc tế về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Và thực tế đã chứng minh, lịch sử xây dựng pháp luật hình sự không có quốc gia nào giống nhau. Bởi, có những em dù chỉ mới 14 hoặc 15 tuổi, nhưng nếu phạm tội có tổ chức, tái phạm nhiều lần, cố tình phạm tội nhiều lần thì nhận thức về cuộc sống của những em này già dặn hơn so với những em đã 16 hay 17 tuổi. Vì thế, trẻ 15 tuổi có thể phạm tội nguy hiểm hơn trẻ 17 tuổi. Thậm chí có em tuy mới 15 tuổi, nhưng đã tham gia băng nhóm và có “số má”, thì việc xác định độ tuổi không nằm trong khung này, mà dựa trên nhận thức chủ quan của cá nhân đó với hành vi phạm tội.

Hơn nữa, từ tình hình thực tế về các loại tội phạm cho thấy, đối tượng phạm tội đang ngày càng trẻ hóa với các hành vi tàn bạo, phi nhân tính, đặc biệt tội hiếp dâm, bắt cóc tống tiền gia tăng nghiêm trọng. Vì thế, pháp luật cần có chế tài đủ mạnh để cảnh báo răn đe. Tính nhân văn của pháp luật là ở chỗ xử nghiêm một người nhưng lại cứu muôn người. Từ phân tích trên, tôi hoàn toàn đồng tình với phương án thứ nhất, tức là không thể dựa vào độ tuổi để phán đoán nhận thức. Trong điều kiện xã hội hiện nay, tình hình tội phạm có xu hướng tăng theo hướng tập trung đến những độ tuổi thanh, thiếu niên.

Tuy nhiên, ở đây tôi xin đề xuất cần bổ sung chế tài đối với hành vi phạm tội tuy nhẹ nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng và thậm chí là rất nghiêm trọng..., thì cũng bị xử lý hình sự đối với người từ 14 đến 16 tuổi. Ví dụ như chỉ là hành vi đánh nhau giữa nhóm thiếu niên này với nhóm khác và không gây thương tích nặng, nhưng đó lại là hành vi lột quần, lột áo của nhau rồi tung lên mạng, dẫn đến đối tượng bị đưa lên mạng xấu hổ rồi tự tử thì hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy, tôi đề nghị không loại trừ một loại tội phạm nào mà việc đưa người phạm tội ở độ tuổi vị thành niên ra tòa với mục đích quan trọng nhất là để cảnh cáo, cảnh báo, giáo dục, hòa giải, không nhất thiết cứ đưa ra tòa là phải vào tù. Và điều đáng mừng là tại kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa XIV đã thống nhất sửa và thông qua chế tài này theo hướng trên.

N.V

  • Từ khóa
29767

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu