Thứ 4, 24/04/2024 12:21:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:31, 04/03/2017 GMT+7

Tục ăn trầu của người S’tiêng

Thứ 7, 04/03/2017 | 09:31:00 2,272 lượt xem
BP - Theo truyền thuyết và thư tịch cổ, tục ăn trầu ở Việt Nam có từ thời vua Hùng dựng nước. Trải qua bao biến đổi của đời sống xã hội, tục ăn trầu vẫn là nét đẹp thể hiện sự phong phú của văn hóa dân tộc và là một trong những đặc trưng của người Việt Nam.

Trong các thôn, sóc trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều phụ nữ dân tộc S’tiêng ăn trầu - Ảnh: S. HòaTrong các thôn, sóc trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều phụ nữ dân tộc S’tiêng ăn trầu - Ảnh: S. Hòa

Sống đan xen, gần gũi, gắn bó, giao thoa với người Việt cho nên tục ăn trầu đã sớm hình thành, ảnh hưởng trong đời sống của người S’tiêng và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày. Tục ăn trầu phản ánh văn hóa ứng xử hài hòa của người S’tiêng trong việc tận dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu ăn uống, đồng thời góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa truyền thống của người S’tiêng trên đất Bình Phước.

Trước đây, bên cạnh trầu và cau mua từ thương lái, chợ của người Việt, người S’tiêng còn sử dụng các nguyên liệu lấy từ vỏ cây rừng như chùm bìa hay cây giấy - là những cây có vị chát; vôi được chế biến từ các loại vỏ ốc. Vỏ ốc sau khi lấy về phơi khô rồi nung lấy bột và nhào nhuyễn để sử dụng dần. Hiện nay, do các loại vỏ cây để ăn trầu từ rừng không còn nên người S’tiêng chủ yếu mua trầu, cau, vôi ở chợ.

  Việc cất giữ nguyên liệu để ăn trầu của người S’tiêng cũng đơn giản. Họ thường gói hai, ba lớp nguyên liệu trong túi ni-lon rồi cho vào túi thổ cẩm, hoặc túi vải đeo, quấn bên người để sử dụng mỗi khi lên nương rẫy. Trầu, cau, vôi còn được người S’tiêng sử dụng trong các lễ nghi nông nghiệp, nghi thức tâm linh như lễ hội mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lên nhà lúa, cưới hỏi, đám tang... Lá trầu được quét vôi lên trên mặt lá đặt cạnh nhiều lễ vật khác trong các lễ cúng. Trong đời sống hằng ngày, người S’tiêng cũng có phong tục mời trầu khi khách đến nhà chơi hoặc cùng làm việc trên nương, rẫy. Điều này thể hiện cách ứng xử trong giao tiếp, tình cảm của người S’tiêng với dòng họ, cộng đồng bon sóc.

Ngoài tác dụng giúp người S’tiêng chống chọi với khí hậu núi rừng, ăn trầu còn giúp đàn ông, phụ nữ làm đẹp, chắc răng bên cạnh tục cà răng, căng tai, búi tóc, xăm mình và trở thành tiêu chí đánh giá vẻ đẹp của người S’tiêng trong xã hội truyền thống.

Miếng trầu tuy đơn giản nhưng mang bao ý nghĩa sâu đậm trong đời sống văn hóa của người S’tiêng nói riêng và các dân tộc anh em nói chung. Ngày nay, theo thời gian rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người S’tiêng đã và đang bị mai một, nhưng hình ảnh những người đàn ông, phụ nữ trung tuổi và người già ngồi ăn trầu vẫn hiện diện rất nhiều trong các bon, sóc trên địa bàn tỉnh. Điều này thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người S’tiêng trong bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời khẳng định giá trị văn hóa trầu cau cần được bảo tồn, phát huy để mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người S’tiêng.

Đình Tâm

  • Từ khóa
92746

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu