Thứ 5, 25/04/2024 08:19:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:58, 12/03/2019 GMT+7

Tuần lễ biển và hải đảo năm 2019

Thứ 3, 12/03/2019 | 15:58:00 290 lượt xem

BP  - Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam được quy định trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Luật số 82/2015/QH13 ngày 25-6-2015). Hằng năm, nước ta đều tổ chức tuần lễ biển, đảo cùng các hoạt động hưởng ứng Ngày đại dương thế giới. Năm 2019, do 2 sự kiện Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam và Ngày môi trường thế giới sát ngày nhau, cùng tổ chức tại Bạc Liêu nên 2 sự kiện này sẽ được tổ chức chung từ ngày 30-5 đến 1-6, với chủ đề “Giữ môi trường xanh, chống rác thải nhựa”. Trong những ngày này sẽ có mít tinh hưởng ứng Ngày đại dương thế giới, diễn đàn kinh tế biển, triển lãm tranh ảnh đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi về biển, trồng cây ven biển...

HIỆU QUẢ TỪ TUẦN LỄ BIỂN, ĐẢO

Là quốc gia có nhiều tiềm năng về biển, với trên 3.260km bờ biển, 2 quần đảo xa bờ Hoàng Sa, Trường Sa và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, các cam kết và hưởng ứng mạnh mẽ những sự kiện quốc tế về biển. Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam đã qua 10 lần tổ chức và thu được những kết quả tích cực. Trong khuôn khổ của tuần lễ diễn ra sự kiện, các hoạt động hưởng ứng đồng loạt diễn ra trên khắp cả nước. Cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động có tính lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức cộng đồng. Theo đó, khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Lên án những hành vi khai thác, sử dụng bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển và trên các đảo. Nhà nước khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn; thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Hưởng ứng Ngày đại dương thế giới và triển khai Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam hằng năm chính là dịp để các địa phương ven biển cam kết bảo vệ biển và hải đảo, phát huy thế mạnh của biển đảo để phát triển kinh tế; bảo tồn và giữ gìn giá trị to lớn của biển và đại dương. Đây là dịp toàn dân thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ tài nguyên môi trường vùng biển, đảo; thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển, đưa đất nước trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên các vùng biển đảo.

“CHỐNG RÁC THẢI NHỰA”

Đây là thông điệp quan trọng trong chủ đề Tuần lễ biển và hải đảo năm 2019. Rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng đã và đang là vấn đề nan giải nhất hiện nay trên đại dương. Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, có tới 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển, tập kết ở đáy đại dương với mật độ ước tính 70kg/km2 đáy biển, tương ứng khoảng 25,3 triệu tấn; chỉ 1% chất thải nhựa trên biển được tìm thấy nổi, hoặc gần bề mặt biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Việt Nam được xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có một cơ chế, kế hoạch cụ thể cho những hoạt động, hành động giảm nhẹ rác thải nhựa ra biển và đại dương; chưa có quy định rõ ràng về việc quản lý rác thải biển, đặc biệt là quản lý rác nhựa biển. Hiện vẫn thiếu thông tin để đánh giá tác động của rác nhựa biển đối với môi trường, kinh tế, sức khỏe, an toàn của con người và các giá trị xã hội vùng ven biển. Mặc dù Việt Nam đã có tương đối đầy đủ các văn bản luật pháp liên quan đến quản lý rác thải, chất thải nhựa nhưng việc thực thi chưa nghiêm nên vẫn chưa giảm được chất thải nhựa trên biển.

Ra quân làm sạch bờ biển ở Ninh Thuận - Ảnh tư liệuRa quân làm sạch bờ biển ở Ninh Thuận - Ảnh tư liệu

Rác thải nhựa không chỉ chiếm mất một phần môi trường sống của các sinh vật biển mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh làm tử vong các cá thể sống tại đây. Nghiên cứu y khoa cho thấy, các loài cá ăn phải hạt nhựa trên biển sẽ mắc bệnh về gan và dẫn đến tử vong do không có khả năng tiêu hóa hay lọc độc tố từ các hạt này. Bởi vậy, rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng chính là “tử thần” của các sinh vật biển. Từ thực tế đó, các nhà khoa học và quản lý đều cho rằng, muốn đạt được mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa trên biển, Việt Nam cần phải có những chính sách rõ ràng, cụ thể cho từng khu vực. Để kiểm soát rác thải nhựa trên biển, cần xây dựng quy chế kiểm soát sử dụng và thải các vật liệu từ nhựa đối với các hoạt động của con người trên toàn bộ lãnh hải đất nước. Rác thải nhựa là vấn đề mà nước ta đang phải đối mặt và chưa có phương án xử lý ổn thỏa. Do đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa đại dương phải đặt lên hàng đầu. Từ đó, giúp thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường; kiềm chế gia tăng nhựa sử dụng một lần, đưa nhựa về nơi tái chế... Đây cũng chính là điểm nhấn trong Tuần lễ biển và hải đảo năm 2019 sẽ được tổ chức tại Bạc Liêu.(*)

Đức Hồng

(*) Bài viết tham khảo Tạp chí Tài nguyên & Môi trường

  • Từ khóa
61962

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu