Thứ 6, 29/03/2024 12:30:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:00, 29/03/2018 GMT+7

Từ xã hội hóa giáo dục ở Chơn Thành, nghĩ về PCI

Thứ 5, 29/03/2018 | 15:00:00 322 lượt xem

BP - “Hệ thống tư thục mầm non ở huyện Chơn Thành hiện nay rất phát triển với 22 trường và cơ sở. Trong gần 5.000 cháu đang theo học ở bậc học này, có đến 50% số cháu học tại các trường, cơ sở tư thục. Điều này rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thu hút sự chung vai gánh vác của doanh nghiệp đối với sự phát triển của ngành học mầm non, nhất là ở một địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp, thu hút đông công nhân đến làm việc như huyện Chơn Thành. Tuy nhiên, hiện các trường và cơ sở mầm non tư thục ở Chơn Thành đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý rất cần được cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết” - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành Mạc Thị Thanh Bình nói.

Ra đời cách đây 10 năm, cơ sở mầm non tư thục Mỹ Hưng, đứng chân tại ấp Mỹ Hưng, xã Thành Tâm lúc đầu chỉ có 30 cháu, chủ yếu là con em giáo dân. Qua năm tháng, theo nhu cầu gửi con của người dân, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn, hiện cơ sở nuôi dạy 140 cháu với 4 lớp học, 100% học bán trú. Con em học tại đây, không phân biệt tôn giáo, các bậc phụ huynh đều rất yên tâm.

Tồn tại trong nghịch lý

“Hoạt động và có đóng góp thiết thực là vậy nhưng đến nay, cơ sở mầm non Mỹ Hưng vẫn chưa được cấp giấy phép, chưa đủ tư cách pháp nhân để hoạt động. Bức xúc nhất của chúng tôi là xin lên trường, vì trên 50 trẻ thì phải lên trường. Cơ sở đã làm đơn trình huyện gần 3 năm rồi nhưng hiện vẫn chưa có kết quả. Chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng!” - sơ Nguyễn Thị Hợp, chủ cơ sở mầm non tư thục Mỹ Hưng cho biết.

Sôi nổi, phong phú các hoạt động trong Trường mầm non tư thục Hoa Ngọc Lan, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân là do vướng mắc về thủ tục đất đai. Theo yêu cầu của các cơ quan chức năng huyện Chơn Thành, đất của cơ sở mầm non tư thục Mỹ Hưng phải được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang thổ cư, phục vụ mục đích kinh doanh và phải thành lập doanh nghiệp. Thế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, chưa được cấp giấy phép xây dựng. Trên thực tế cơ sở mầm non tư thục Mỹ Hưng đã xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động từ 10 năm nay. Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục là diện đầu tư được ưu tiên, ưu đãi, miễn thuế, thế nhưng nhiều năm qua cơ sở này vẫn thực hiện nghĩa vụ thuế. Đây thật sự là một nghịch lý!

Trường mầm non Hoa Ngọc Lan, ấp 3A, xã Minh Hưng hoạt động từ năm 2015 nhưng hiện vẫn chưa có tư cách pháp nhân. Với quy mô 15 phòng học, lúc đầu trường chỉ có 30 cháu theo học nhưng hiện đã tăng lên 450 cháu. Trong đó, 50% là con em công nhân các khu công nghiệp, còn lại con em cán bộ khu công nghiệp và người dân địa bàn. Khi gửi con em vào đây, dù yên tâm với khâu chăm sóc, nuôi dạy trẻ của trường, nhưng các bậc phụ huynh vẫn băn khoăn, trăn trở khi trường chưa có tư cách pháp nhân.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tuấn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường mầm non Hoa Ngọc Lan cho biết, không chỉ thành lập tại xã Minh Hưng, trước đó đã đầu tư, xây dựng 3 trường ở tỉnh Bình Dương, 2 trường ở tỉnh Đồng Nai. Tại 2 tỉnh này, tư cách pháp nhân của các trường đều đảm bảo, nhưng tại xã Minh Hưng, mặc dù trường đã nhiều lần làm việc với các ngành chức năng của tỉnh và huyện Chơn Thành; trường cũng đảm bảo đủ giấy tờ, hồ sơ đối chứng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Điều đáng nói, theo quy định của pháp luật, trường được ưu tiên, miễn thuế nhưng thời gian qua trường vẫn phải đóng thuế. “Tại Bình Dương và Đồng Nai, khi tôi đến làm thủ tục, địa phương bố trí hẳn một chuyên viên phụ trách giải quyết công việc này, nhưng tại Minh Hưng thì chưa có nên vụ việc bị ách tắc, kéo dài. Tôi mong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành của huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước xem xét đưa ra hướng dẫn cụ thể, để không chỉ trường chúng tôi mà các trường tư thục khác ở Bình Phước cũng được giải quyết kịp thời. Nếu thủ tục giấy tờ hoàn thành, không những năm nay mà sang năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm tại huyện Chơn Thành, Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài...” - ông Phạm Tuấn Hùng khẳng định.

Nghĩ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Tại huyện Chơn Thành, trong số 22 trường và cơ sở mầm non tư thục, hiện có 7 trường và cơ sở với 800 cháu đang theo học nhưng chưa được cấp phép. Ngoài ra vẫn còn 10 cơ sở làm thủ tục nâng lên thành trường nhưng chưa được giải quyết. “Trong quá trình hoạt động, quản lý, nếu xảy ra vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo hành, việc quản lý, xử lý sẽ rất khó cho ngành giáo dục. Hơn nữa, theo quy định về điều lệ hoạt động của hệ thống mầm non tư thục do Bộ GD-ĐT ban hành, hầu hết các cơ sở trên địa bàn huyện Chơn Thành đều vi phạm, thay vì chỉ dưới 50 trẻ, nhưng hiện nay đều có từ 80 đến trên 100 trẻ/cơ sở. Biết là vậy, nhưng để đáp ứng nhu cầu gửi con em của người dân và công nhân trên địa bàn, chúng tôi không thể làm khác, phải chấp nhận tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động. Mong các cấp sớm xem xét, tháo gỡ tình trạng này” - bà Nguyễn Thị Lương, chuyên viên bậc học mầm non Phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành cho biết.

Một giờ học của các cháu Trường mầm non tình thương Hoa Sen, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành

Với một địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh như Chơn Thành, việc ra đời nhiều trường, cơ sở mầm non tư thục đã và đang góp phần giải được bài toán nan giải thiếu lớp, thiếu trường. Trên thực tế, đã có một trường mầm non công lập (Mầm non Minh Hưng) tuy được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 từ năm 2013, nhưng qua nhiều năm, do cơ sở vật chất không đảm bảo, thiếu kinh phí đầu tư mới, 5 phòng học bị xuống cấp nghiêm trọng nên qua kiểm tra, khảo sát, cuối năm 2017, UBND tỉnh đã thu hồi quyết định công nhận trường chuẩn quốc gia đối với trường mầm non này. Qua đó còn cho thấy, việc đóng góp, xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư xây dựng trường lớp ở bậc học mầm non tại địa phương là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, trước những tồn tại, bất cập như đã phản ánh đòi hỏi các cấp, ngành chức năng của tỉnh và huyện Chơn Thành sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm. Nếu để kéo dài, một mặt sẽ gây khó khăn cho các nhà trường, chủ cơ sở, làm nản lòng nhà đầu tư; mặt khác sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến chính sách thu hút, mời gọi đầu tư của tỉnh, nhất là đối với lĩnh vực giáo dục, xã hội hóa giáo dục, trong khi nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao, đặc biệt tại các địa bàn thu hút nhiều công nhân đến làm việc như Chơn Thành, Đồng Phú, Đồng Xoài...

Ngày 22-3 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. Theo kết quả khảo sát từ 8.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, Quảng Ninh là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng với 70,69 điểm. Ngược lại, Đắk Nông là tỉnh có chỉ số PCI thấp nhất cả nước, với 55,12 điểm và vị trí áp chót là Bình Phước, chỉ đạt 56,7 điểm. Đây không chỉ là câu chuyện buồn, mà còn là bài học sâu sắc đối với các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh về mức độ hài lòng của doanh nghiệp nói riêng, môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói chung. Và những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, pháp lý của các trường, cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở Chơn Thành cũng là điều đáng phải suy nghĩ trong thực hiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Quốc Phong

  • Từ khóa
93521

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu