Thứ 6, 29/03/2024 15:00:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:36, 28/11/2019 GMT+7

Tư tưởng không thể thay đổi thường xuyên

Thứ 5, 28/11/2019 | 08:36:00 209 lượt xem
BP - Bộ GD-ĐT ngày 22-11, đã công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu sử dụng từ năm học sau 2020-2021, với tổng cộng 32 cuốn. Cùng ngày, Bộ GD-ĐT cũng cho biết việc lựa chọn sách giáo khoa nào để sử dụng là do UBND cấp tỉnh quyết định. Ngay sau khi thông tin được công bố, đã có không ít ý kiến băn khoăn về vấn đề này.

Đầu tiên, cấp địa phương có đủ chuyên môn sâu để lựa chọn chương trình phù hợp, chương trình tốt nhất hay không, khi những chuyên gia hàng đầu về giáo dục không phải ở sở GD-ĐT hay UBND tỉnh mà ở các viện nghiên cứu giáo dục, các trường đại học, Bộ GD-ĐT. Thứ hai, để đánh giá, lựa chọn bộ sách nào là phù hợp với địa phương mình cần có nghiên cứu, tổng kết, đánh giá một cách khoa học chứ không thể cảm tính, trong khi ngay năm học sau 2020-2021 đã bắt đầu thực hiện chủ trương này. Thứ ba, điều đó liệu có dẫn tới tình trạng lợi ích nhóm ở cấp địa phương hay không.

Một trong những băn khoăn nhất ở cấp địa phương là làm sao chọn được bộ sách phù hợp nhất cho con em mình. Theo quy định, hội đồng thẩm định sách giáo khoa của địa phương có chủ tịch hội đồng là lãnh đạo UBND cấp tỉnh, thành viên là lãnh đạo sở GD-ĐT, lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc sở GD-ĐT. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một cấp học có một tiểu ban và một số thành viên là nhà giáo giảng dạy tại các vùng miền trên địa bàn. Tuy nhiên, cấp dưới, giáo viên rất khó thẳng thắn nêu lên ý kiến, quan điểm chọn bộ sách này khi cấp trên, lãnh đạo của mình đã có chủ ý chọn bộ sách kia.

Đặc biệt, một vấn đề nữa là trường hợp học sinh chuyển từ địa phương này sang địa phương khác tiếp tục theo học. Học sinh vùng còn nhiều khó khăn, chủ yếu là nông thôn như Bình Phước có lẽ sẽ chọn bộ sách khác với TP. Hồ Chí Minh. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa chính thức sẽ giúp giáo viên và học sinh có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn sao cho phù hợp với hoạt động dạy và học trong nhà trường. Song nếu phải chuyển trường, thay đổi chương trình học, chắc chắn học sinh và cả giáo viên sẽ gặp không ít khó khăn. Học sinh phải có thời gian để thích nghi và bù đắp phần khác biệt, giáo viên mới phải nghiên cứu thêm để theo kịp đồng nghiệp, còn giáo viên cũ có học sinh mới cũng phải dành thêm thời gian, sự quan tâm đối với các em này.

 Về lý thuyết, nội dung của tất cả bộ sách đều phải bảo đảm ngữ liệu kiến thức cơ bản theo khung chuẩn và đã được Bộ GD-ĐT thẩm định. Điều đó giúp cho nếu thay đổi chương trình vẫn có thể tiếp tục dạy và học đạt kết quả tối thiểu trở lên. Song đó chỉ là trên lý thuyết. Thực tế hiện nay học sinh đang phải học chương trình với khối lượng kiến thức rất nặng. Theo học bình thường từ đầu tới cuối đã rất chật vật với cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Nếu phải chuyển trường, đổi chương trình sẽ là vấn đề không đơn giản. Bởi lẽ, tổng thời gian dạy - học của cả cô - trò là không đổi. Nếu dành nhiều thời gian cho khối kiến thức này thì sẽ giảm khối kiến thức khác.

Nhiều năm qua, ngành GD-ĐT luôn loay hoay với các chương trình giáo dục và không ngừng “cải tiến, cải lui”. Thế nhưng, điều khiến phụ huynh và cả xã hội chưa thể yên tâm là chương trình cải tiến, cải cách nào cũng luôn có những vấn đề không dễ giải quyết. Cốt lõi ở chỗ, nội dung chương trình có thể thay đổi do kiến thức của nhân loại thay đổi thường xuyên, song quan điểm, tư tưởng giáo dục của một quốc gia, một nền giáo dục thì không thể mỗi năm mỗi khác, mỗi nhiệm kỳ mỗi khác.

Trần Phương

  • Từ khóa
66065

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu