Thứ 5, 25/04/2024 23:38:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:34, 27/09/2017 GMT+7

Từ sản xuất theo kế hoạch đến kinh tế thị trường

Thứ 4, 27/09/2017 | 06:34:00 3,225 lượt xem

BP - Ngày 3-6-2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra khái niệm về nền KTTT ở Việt Nam như sau: Nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại văn hào Lỗ Tấn (Trung Quốc) từng khẳng định: Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi. Xét về nghĩa đen, câu này có nghĩa là: Mọi nẻo đường trên đời này không tự dưng mà có, chính là do con người tạo nên thông qua một quá trình sống trên đời. Về nghĩa bóng thì câu này có nghĩa là: Mọi nguyên tắc, hay những gì có mặt trên đời này đều là sản phẩm từ quá trình tư duy và hành động biến đổi xã hội của con người mà ra. Con đường phát triển của nhân loại cũng vậy, nó vốn không có sẵn, mà do mỗi quốc gia, dân tộc tự tìm hướng đi và phương pháp tiếp cận cái mới bằng cách riêng của mình. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Để có được khái niệm về nền KTTT đầy đủ như đã nêu, Đảng ta đã phải mất hơn 30 năm tiếp thu giá trị tiến bộ của nhân loại trong quản lý kinh tế, rồi áp dụng vào thực tế của đất nước, sau đó tổng kết thực tiễn và đúc kết thành lý luận về con đường phát triển KTTT ở nước ta.

Sản xuất giày xuất khẩu ở Nhà máy giày da Thái Bình (Đồng Xoài) - Ảnh: S.H

Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng mô hình kinh tế kế hoạch hóa. Theo đó, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh chi tiết áp đặt từ trên xuống dưới. Doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Tất cả phương hướng sản xuất, nguồn vật tư, tiền vốn định giá sản phẩm, tổ chức bộ máy, nhân sự, tiền lương... đều do các cấp có thẩm quyền quyết định. Vì thế, nền kinh tế lâm vào cảnh trì trệ, đời sống người dân khó khăn. Trước thực trạng đó, Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ đổi mới toàn diện, triệt để và sâu sắc mọi mặt đời sống của đất nước, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Tuy vậy, khởi đầu công cuộc đổi mới, Đảng mới nêu ra quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội, chưa đề cập đến cơ chế thị trường và phát triển nền KTTT.

Tại Đại hội VII, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Đảng tiếp tục khẳng định thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, đồng thời nêu rõ cơ chế vận hành nền kinh tế là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác (Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, http://dangcongsan.vn). Và trong cơ chế đó, các đơn vị kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh; hợp tác, liên doanh tự nguyện, bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp; Nhà nước tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm sự thống nhất giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Bên cạnh đó, Đảng cũng chỉ rõ, phải xây dựng và phát triển đồng bộ các thị trường (Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội). Như vậy, đây là lần đầu tiên Đảng đề cập đến cơ chế thị trường với tư cách là cơ chế vận hành nền kinh tế.

Đến Đại hội VIII (tháng 6-1996), trên cơ sở tổng kết 10 năm đổi mới (1986-1996), Đảng ta đã rút ra một số kết luận mới về mối quan hệ giữa sản xuất hàng hóa và chủ nghĩa xã hội. Cụ thể, trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng. Đây là cơ sở để Đảng ta tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với mục tiêu xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, tiếp tục tạo lập đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại Đại hội IX, khái niệm KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa mới được chính thức sử dụng trong các văn kiện của Đảng. Cũng từ đại hội này, Đảng xác định nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng). Đồng thời, cũng trong văn kiện Đại hội lần thứ IX, Đảng đã làm rõ một số khía cạnh liên quan đến nội hàm của mô hình KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, là: Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa...; Có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo...; Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh...

Đại hội X (tháng 4-2006), nhìn lại 20 năm đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định mô hình kinh tế đã được lựa chọn, đồng thời nhấn mạnh, để đi lên chủ nghĩa xã hội, phải phát triển nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế với các nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh; thực hiện quản lý nhà nước bằng hệ thống pháp luật, giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp, xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu, định hướng sự phát triển bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng).

Tại Đại hội XI, Đảng tiếp tục khẳng định: Nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái KTTT vừa tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng). Bên cạnh đó, Đảng cũng chỉ rõ, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, trọng tâm là hoàn thiện thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng đồng bộ và hiện đại. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng..., trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020).

Cụ thể hơn, tại Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định: Nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật;... Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh.

Đến Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng ta đã đưa ra khái niệm cụ thể: Nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, quan niệm về vai trò, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước đã được đổi mới một cách toàn diện. Và khái niệm nêu trên đã đánh dấu bước tiến cơ bản trong nhận thức của Đảng về nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Diệp Viên

  • Từ khóa
1373

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu