Thứ 7, 20/04/2024 19:38:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:48, 11/06/2015 GMT+7

Tự hào khi nhìn vào đôi mắt con mình

Thứ 5, 11/06/2015 | 14:48:00 138 lượt xem

BP - Sở Giáo dục và Đào tạo đã có số liệu thống kê về số học sinh thi tuyển vào lớp 10 năm nay trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngày 15-6, toàn tỉnh có 11.683 thí sinh trong tổng số 13.673 học sinh lớp 9 năm học 2014-2015 đăng ký dự thi, so với chỉ tiêu tuyển sinh 10.320 em. Nếu như tất cả thí sinh đăng ký dự thi đều đi thi và có nguyện vọng đi học lớp 10, đồng thời các trường không tuyển sinh ngoài chỉ tiêu, thì sẽ có 1.363 em phải rớt hoặc phải chuyển sang học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Một số trường có tỷ lệ chọi khá cao, như: THPT chuyên Quang Trung 833 em/285 chỉ tiêu; THPT chuyên Bình Long 654 em/285 chỉ tiêu; THPT Hùng Vương 774 em/500 chỉ tiêu; THPT Bù Đăng 512 em/450 chỉ tiêu... Đây có lẽ là năm đầu tiên số thí sinh dự tuyển vào lớp 10 vượt chỉ tiêu tuyển sinh nhiều như vậy ở Bình Phước. Điều này có lẽ sẽ khiến không ít học sinh cảm thấy bỡ ngỡ. Bởi lẽ lâu nay học sinh và cả phụ huynh trong tỉnh quen với tâm lý cứ học xong lớp 9 là sẽ được vào lớp 10, không trường này thì trường kia. Cả tỉnh cũng chưa có trường dân lập nào, nên cũng yên tâm sẽ được học trường công lập...

Trong khi đó, với hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực miền Trung, miền Bắc, các trung tâm đô thị lớn ở miền Nam, cả học sinh và phụ huynh đều đã quen và sẵn sàng với tỷ lệ chọi rất cao, thậm chí rất nhiều trường có tỷ lệ chọi và thi đậu còn khó hơn thi tuyển vào các trường đại học uy tín. Ở nhiều tỉnh thành khu vực đồng bằng Sông Hồng, từ hàng chục năm trước đã có khoảng 20% số học sinh học xong lớp 9 không chọi nổi trường công lập phải học dân lập hoặc giáo dục thường xuyên. Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong số 4.000 hồ sơ nộp vào có 1.000 học sinh đạt điểm 100/100 trong khi trường chỉ tuyển 600 hồ sơ khiến cả thầy, trò và phụ huynh “đau đầu”.

Trở lại câu chuyện của Bình Phước, bên cạnh một số trường có số thí sinh đăng ký cao hơn chỉ tiêu, cũng có khá nhiều trường thí sinh đăng ký không đủ chỉ tiêu, trong đó có những trường ở ngay trung tâm các đô thị của tỉnh, như THPT Nguyễn Du ở thị xã Đồng Xoài chỉ có 131 em đăng ký/400 chỉ tiêu; THPT Nguyễn Huệ ở thị xã Bình Long chỉ có 187 em đăng ký/380 chỉ tiêu...

Điều đó cho thấy, không học sinh ở đâu được “nhàn nhã” như học sinh ở Bình Phước. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ giáo dục, sự “nhàn nhã” đó không hoàn toàn là tích cực đối với học sinh. Các em được học hành nhẹ nhàng, phát triển phù hợp với lứa tuổi và không phải chịu áp lực, không phải “chạy đua” với kiến thức - một hiện tượng phản giáo dục - như học sinh các nơi khác. Đó là sự may mắn khi Bình Phước mật độ dân cư còn thưa, cơ sở trường lớp, giáo viên THPT công lập đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thế nhưng, nếu vào lớp 10, không ý thức được mặt trái của sự “nhàn nhã” đó, các em sẽ bất lợi nhiều khi bước lên sân chơi lớn hơn: học đại học hoặc chuyên nghiệp. Bởi ở những tỉnh thành khác, đồng trang lứa với các em đã có sự rèn luyện từ sớm và quen với việc phải vượt qua các thử thách khi ngồi trên ghế nhà trường.

Vào lớp 10, sang tuổi 17 - đánh dấu một bước nhảy quan trọng từ thiếu niên sang thanh niên, đánh dấu một bước ngoặt của mỗi người và có nhiều thay đổi tâm sinh lý. Đó có thể là bước ngoặt đến với ngày mai tươi sáng. Nhưng đó có thể cũng là ngã rẽ vào một con đường gập ghềnh, tối tăm nhiều cám dỗ, cạm bẫy. Mỗi bậc cha mẹ, phụ huynh hãy trang bị cho con em mình những kiến thức cần thiết để các em tự tin vững bước đến tương lai. Để sau này bậc làm cha mẹ không phải hối tiếc hay xấu hổ, mà là mãn nguyện, tự hào khi nhìn vào đôi mắt con mình.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu