Thứ 4, 24/04/2024 01:19:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:53, 04/05/2018 GMT+7

Tự hào Đội pháo binh “tóc dài”

Thứ 6, 04/05/2018 | 06:53:00 1,334 lượt xem
BP - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những trận đánh ác liệt trên chiến trường Phân khu Bình Phước xưa vẫn không hề phai nhạt trong ký ức của đội pháo binh “tóc dài”. Ở nơi đó, đội lực lượng vũ trang tóc dài B11, B83 đã cống hiến tuổi xuân cùng sự mưu trí, dũng cảm lập nên nhiều chiến công, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

MỘT THỜI HOA LỬA

Tháng 10-1968, Bộ chỉ huy Quân khu 10 (Quân khu 10 là địa bàn quân sự của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, gồm các tỉnh Bình Long, Phước Long và Quảng Đức) họp tại suối Đắk Mai (Bù Gia Mập) đã ra quyết định thành lập đội nữ pháo binh B11 gồm 34 chị. Từ đó, trên các mặt trận của Quân khu 10 xuất hiện thêm lực lượng vũ trang “tóc dài” ngày đêm chiến đấu góp phần giải phóng đất nước.

Các nữ cựu pháo binh B11, B83 trong lần về họp mặt tại Bình Phước

Cựu nữ pháo thủ số 1 Nguyễn Thị Tuyết năm nay đã 70 tuổi, hiện sinh sống tại tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: “Khi mới thành lập, đội nữ pháo binh được 3 đồng chí cán bộ quân khu về huấn luyện cách đánh bộ binh, đánh địch tập trung và phân tán; bắn cối 82 ly, đào công sự chiến đấu và bắn máy bay địch...”. Bà Tuyết nhớ lại, trong trận chiến xuân hè năm 1969, quân khu chủ trương đánh quét sạch hệ thống đồn bốt của bọn bảo an, dân vệ, bao vây cô lập các chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, yếu khu Bù Na. Đồng thời, pháo kích và bao vây uy hiếp Chi khu Phước Bình, Tiểu khu Phước Long. Ngày 16-2-1969, lần đầu tiên đơn vị B11 hành quân ra trận. Đến ngày 22-2, khẩu đội cối 82 của B11 được phân công bắn yểm trợ đại đội đặc công, đại đội bộ binh, phối hợp cùng các đơn vị khác đánh vào Chi khu và Sân bay Phước Bình. Suốt đêm đó và rạng sáng 23-2, địch phản pháo ác liệt vào trận địa B11 nhưng chị em vẫn bám trụ giữ vững trận địa, hoàn thành nhiệm vụ.

Trận đánh ác liệt nhất mà đội nữ pháo binh B11 đối mặt là trận đánh Tiểu khu Phước Long vào đêm 24-3-1969. Đêm đó, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công vào các hậu cứ thuộc Tiểu khu Phước Long của địch. B11 nhận nhiệm vụ pháo kích vào tòa hành chính Phước Long. So với những trận đánh trước, lần này B11 chuẩn bị kỹ hơn về chiến thuật và kỹ thuật nên số lượng đạn pháo tương đối dồi dào. Ngay loạt đánh đầu, B11 đã bắn trúng làm một góc tòa nhà bốc cháy và sập đổ. Nữ cựu pháo thủ số 1 của B11 còn nhớ rõ: “Trận đánh vào tòa hành chính Phước Long vô cùng ác liệt. Dưới sự yểm trợ của pháo thủ số 2, số 3, tôi đã bắn hơn 70 quả pháo. B11 đã chi viện đắc lực cho những đơn vị khác đánh các mục tiêu của địch bên trong Phước Long. Sau những trận đánh lớn, B11 được Bộ chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, nhiều chị em được tặng danh hiệu dũng sĩ và bằng khen, giấy khen”.

Đến năm 1972, Quân khu 10 giải thể, Bình Long và Phước Long lập thành Phân khu Bình Phước. Đội nữ pháo binh B11 đổi thành B83 do đồng chí Nguyễn Thị Tuyết làm Chỉ huy trưởng. Trong muôn vàn khó khăn, “đội quân tóc dài” B83 vẫn luôn kiên cường, mưu trí tham gia nhiều chiến dịch, lập nên những chiến công to lớn góp phần hỗ trợ đắc lực bộ đội chủ lực trên các mặt trận. Cuối tháng 3-1972, để phối hợp với quân chủ lực Miền trên mặt trận Lộc Ninh, ngã ba Hồng Tâm và núi Bà Đen (Tây Ninh) cũng như các chiến trường khác, Bộ chỉ huy Phân khu Bình Phước chủ trương đánh vào Chi khu Phước Bình và những đồn bốt xung quanh. Bấy giờ, đội nữ pháo binh B83 được trang bị thêm 1 khẩu cối 81 có nhiệm vụ bắn chế áp vào trận địa pháo của chi khu Phước Bình. B83 đã phá hỏng một số đoạn đường băng Sân bay Phước Bình. Sau đó, B83 hành quân cùng Tiểu đoàn 212, đại đội 11 và đại đội 13 đặc công tiến về đánh Chi khu Bù Đốp. Sau 4 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã quét sạch hệ thống đồn bốt của bọn bảo an, dân vệ ngoài chi khu. Chiến dịch Nguyễn Huệ thắng lợi cùng các mặt trận khác đã phá vỡ tuyến phòng thủ của địch trên biên giới, buộc địch ở chi khu Bù Đốp bỏ chạy.

VẸN TRÒN TÌNH NGHĨA TRONG THỜI BÌNH

Bà Nguyễn Thị Bưởi, nguyên Chỉ huy trưởng B11, Phó ban liên lạc Nữ cựu pháo binh B11, B83 chia sẻ: “Hòa bình lập lại, mỗi người có cuộc sống, công việc riêng nhưng chúng tôi không quên tìm về với nhau. Bởi vậy, năm 2008 Ban liên lạc Nữ cựu pháo binh B11, B83 được thành lập. Việc chúng tôi chú trọng nhất là vun đắp nghĩa tình đồng đội, qua đó thăm hỏi ốm đau, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn”. Khi biết hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Lài ở Bình Thuận có chồng là thương binh, con bị nhiễm chất độc da cam, bản thân chị lại mắc bệnh hiểm nghèo, ban liên lạc vận động các đồng đội đến thăm động viên và giúp đỡ chị Lài gần 40 triệu đồng.

Hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Gái - nữ cựu pháo binh của B11, B83 hiện ở Lộc Ninh rất khó khăn. Chồng chị Gái là thương binh, bị tai biến nằm một chỗ, ngôi nhà xuống cấp nặng, bản thân chị bị té gãy tay, không thể làm việc nặng. Năm 2015, ban liên lạc đã vận động giúp chị Gái dựng lại căn nhà với số tiền 27 triệu đồng, trong đó chị Trương Thị Mai, Trưởng ban liên lạc Nữ cựu pháo binh B11, B83 hỗ trợ 15 triệu đồng. Bên cạnh giúp đỡ những đồng đội còn khó khăn, đội nữ pháo binh năm xưa vẫn đang mong đợi các ngành chức năng sớm tìm được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Thị Dân, quê Bình Thuận, hy sinh trong trận đánh tòa hành chính Phước Long năm 1969...

Các nữ cựu pháo binh nay đã ở tuổi xế chiều, mái tóc hoa râm với những lo toan trong cuộc sống đời thường, nhưng nghĩa tình đồng đội năm xưa vẫn không phai nhạt. Tình cảm càng khăng khít hơn khi các chị vẫn thường xuyên tổ chức họp mặt để ôn lại truyền thống và tri ân những đồng đội đã anh dũng hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc.

Cẩm Liên

  • Từ khóa
2109

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu