Thứ 7, 20/04/2024 01:01:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:21, 26/10/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CHI BỘ ĐÔNG DƯƠNG CỘNG SẢN ĐẢNG Ở PHÚ RIỀNG VÀ 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH CAO SU VIỆT NAM (28-10-1929 - 28-10-2019)

Tự hào địa danh lịch sử

Thứ 7, 26/10/2019 | 07:21:00 3,527 lượt xem
BP - Tháng 10-2019 đánh dấu cột mốc lịch sử tròn 90 năm sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Làng 3, đồn điền cao su Phú Riềng (28-10-1929 - 28-10-2019). Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh và tiếng vang Phú Riềng Đỏ là kết quả của việc chuyển biến về chất phong trào yêu nước và phong trào công nhân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Từ đây, Bình Phước nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung bước vào giai đoạn cách mạng mới do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

90 năm đã đi qua, địa danh lịch sử năm xưa ngày nay đã trở thành một vùng quê trù phú với bạt ngàn màu xanh cây trái. Phú Riềng Đỏ mãi mãi trở thành niềm tự hào trong những trang sử vàng của Bình Phước và dân tộc Việt Nam.

GIỞ LẠI NHỮNG TRANG SỬ

Lật mở những trang sử của dân tộc trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ mới thấy sự kiện chi bộ Đảng ra đời tại đồn điền cao su Phú Riềng mang ý nghĩa cực kỳ lớn lao. Vào đầu năm 1928, ông Nguyễn Xuân Cừ được tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội cử đến “vô sản hóa” đồn điền Phú Riềng của Công ty cao su Michelin (trụ sở đồn điền đặt tại Công ty cổ phần cao su Đồng Phú ngày nay). Người đầu tiên ông Cừ tìm bắt liên lạc là một nhân viên làm việc ở trạm xá, nổi tiếng trong các cuộc đấu tranh của công nhân tên là Phạm Văn Phu (Trần Tử Bình). Đồng thời, ông Cừ liên hệ chặt chẽ với đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam kỳ báo cáo cụ thể về tình hình Phú Riềng để nhận sự chỉ đạo. Vào đêm 28, rạng sáng 29-10-1929, tại khu rừng Suối Đá thuộc Làng 3 (nay thuộc địa bàn ấp Thuận Phú 2, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú), Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập với 6 đảng viên; đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được cử làm Bí thư. Đêm 7-11-1929, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, chi bộ kết nạp thêm đảng viên Nguyễn Mạnh Hồng. Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị buộc thôi việc, Pháp trục xuất về Sài Gòn vì bị nghi làm chính trị. Bí thư chi bộ giao lại cho đồng chí Phạm Văn Phu đảm nhận.

Công nhân cao su dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia Phú Riềng Đỏ trên địa bàn ấp Thuận Phú 2, xã Thuận Phú (Đồng Phú) - Ảnh: Sỹ Hòa

Chỉ 3 tháng sau ngày thành lập, các đảng viên của chi bộ đã tổ chức và lãnh đạo công nhân đồn điền cao su Phú Riềng bãi công, mít tinh phản đối chính sách bóc lột dã man, tàn ác của bọn chủ Tây. Ngay sau cuộc đấu tranh thắng lợi đó, tiếng vang của Phú Riềng Đỏ đã lan tỏa đến những đồn điền cao su lân cận như: Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh..., đồng thời còn có sức ảnh hưởng và động viên to lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động cả nước. Cũng từ đây, đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc để làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ chiếc nôi Phú Riềng Đỏ đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương hy sinh kiên cường, đấu tranh bất khuất của các thế hệ công nhân cao su Bình Phước, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam. Phú Riềng Đỏ năm xưa nay đã trở thành mảnh đất lành với ngút ngàn màu xanh cao su, đóng góp “vàng trắng” xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, công nhân cao su nói riêng, quân và dân Bình Phước nói chung đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm thêm trang sử vàng của vùng quê “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Phú Riềng Đỏ mãi mãi là mốc son lịch sử trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. (*)

ĐỔI THAY Ở LÀNG 3 XƯA

Trung tâm của sự kiện ra đời Chi bộ Cộng sản Phú Riềng Đỏ 90 năm trước nằm trên địa bàn xã Thuận Phú ngày nay. Khu vực Làng 3 năm xưa nay là những lô cao su xanh ngát, xen lẫn những thôn, ấp dân cư trù phú. Tượng đài Phú Riềng Đỏ và bia di tích lịch sử, nơi mà đêm 7-11-1929 Chi bộ Phú Riềng Đỏ kết nạp đảng viên Nguyễn Mạnh Hồng, nay thuộc ấp Thuận Phú 2, xã Thuận Phú. Tượng đài Phú Riềng Đỏ là di tích lịch sử cấp quốc gia được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận ngày 12-2-1999. Bên hông trái tượng đài là hình ảnh mô phỏng 6 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Phú Riềng cùng lời thề bất hủ: “Thề chung sức đấu tranh, trước làm cách mạng giải phóng dân tộc, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến tới thế giới đại đồng”.

Di tích lịch sử quốc gia Phú Riềng Đỏ trên địa bàn ấp Thuận Phú 2, xã Thuận Phú (Đồng Phú)

Trong những ngày tháng 10-2019, những người thợ và lực lượng thanh niên công nhân cao su của Công ty cổ phần cao su Đồng Phú đã làm việc miệt mài để sửa chữa, tôn tạo di tích lịch sử, chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Chi bộ Phú Riềng ra đời và truyền thống 90 năm ngành cao su Việt Nam. Công trình tôn tạo khu di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ gồm các hạng mục: Khuôn viên khu di tích, đổ bê tông khu vực làm lễ, nhà bia, nhà chờ... có tổng dự toán 5,1 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 28-10.

Ông Trần Đình Thìn, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuận Phú cho biết: Di tích lịch sử trên địa bàn Thuận Phú vừa là niềm tự hào vừa là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên xứng đáng với truyền thống lịch sử cha ông. Đảng bộ xã hiện có 14 chi bộ, với 262 đảng viên là lực lượng nòng cốt lãnh đạo, chung tay cùng toàn dân giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Xã có hơn 10 ngàn dân, hầu hết sống bằng nông nghiệp, chủ yếu trồng các loại cây cao su, điều, hồ tiêu. Mặc dù hiện vẫn còn 28 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo, nhưng đời sống của đại bộ phận nhân dân Thuận Phú trong những năm gần đây được nâng cao. Thu nhập bình quân tăng lên hơn 40 triệu đồng/người/năm. Thuận Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016.

Bia di tích lịch sử, nơi đây vào đêm 7-11-1929, Chi bộ Phú Riềng Đỏ kết nạp đảng viên Nguyễn Mạnh Hồng

Về thăm khu di tích lịch sử quốc gia Phú Riềng Đỏ hôm nay, cảm nhận về một làng quê tươi đẹp đã và đang ngày càng phát triển, đồng thời đây cũng là địa danh để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Phú Riềng Đỏ là di tích lịch sử nói lên được giá trị và tầm quan trọng về đường lối đúng đắn của một chi bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chi bộ đã lãnh đạo phong trào công nhân cao su từ đấu tranh tự phát chuyển sang tự giác để làm nên một Phú Riềng Đỏ huyền thoại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tiến Bình
(*) Bài viết tham khảo “Lịch sử Bình Phước giai đoạn 1930-1945”

  • Từ khóa
30841

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu