Thứ 3, 16/04/2024 21:14:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:53, 20/09/2016 GMT+7

Tư duy máy móc

Thảo Nguyên
Thứ 3, 20/09/2016 | 06:53:00 658 lượt xem

BP - Trên trang 5 Báo Bình Phước số 490 (bộ mới), ra thứ sáu, ngày 16-9-2016 có mẩu chuyện nhỏ với tiêu đề “Sao phải cặp màu đen?”. Nội dung mẩu chuyện nói về học sinh một trường THCS ở Đồng Xoài rất buồn khi phải từ bỏ chiếc cặp màu xanh yêu thích của mình, vì trường bắt phải dùng cặp đồng phục màu đen. Câu chuyện một lần nữa lại khiến bạn đọc liên tưởng đến “nỗi khổ đồng phục” tại các trường học mà báo chí đã lên tiếng từ rất nhiều năm trước và đến nay vẫn chưa dứt. Hẳn mọi người còn nhớ chuyện ồn ào từ năm học trước, nhiều phụ huynh có con học tại Trường THCS Trần Quốc Toản,

xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau rất bức xúc bởi chưa nghỉ hè mà trường đã ra thông báo thu tiền mua đồng phục của năm học mới. Ngay trong năm học này, phụ huynh và học sinh Trường THPT Thủ Thiêm ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh - một khu vực có nhiều hộ nghèo, lại vô cùng bức xúc vì các khoản thu đầu năm học lên tới 7 triệu đồng/em, cao gấp 3 lần những năm trước, trong đó có các khoản thu bắt buộc về đồng phục của nhà trường. Sau khi báo nêu, dẫu những chuyện nói trên đã và đang được giải quyết nhưng cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm về chuyện đồng phục học sinh hiện nay.

Thực ra, đồng phục học sinh không phải bây giờ mới có. Nét văn hóa này đã xuất hiện tại các trường học từ thời Pháp thuộc mà đầu tiên là phong trào nữ sinh Trường Đồng Khánh ở Huế với đồng phục áo dài trắng và nón bài thơ hay nữ sinh Trường Gia Long ở Sài Gòn với đồng phục áo dài tím, sau chuyển thành áo dài trắng với hình bông mai vàng trên ngực áo. Có lẽ chẳng phải bàn cãi gì về mục đích tốt đẹp của việc học sinh mặc đồng phục bởi đó là nét văn hóa học đường. Nhìn dưới góc độ tích cực thì đồng phục học sinh sẽ làm tăng tính trang nghiêm của mái trường, tránh cho các em sự phân biệt giàu - nghèo, tăng cường nền nếp, kỷ cương trong trường. Nhìn bộ đồng phục học sinh có thể nhận biết “thương hiệu” các trường học. Và điều quan trọng là học sinh sẽ chững chạc hơn trong bộ trang phục đẹp, đồng bộ cả lớp, cả trường.

Điều đáng nói là cách mà người ta thực hiện nét văn hóa học đường ấy. Sự máy móc hay vì chút lợi ích nào đó mà người ta đang làm cho đồng phục học sinh bị biến tướng. Không chỉ áo quần trên lớp, đến áo ngủ của học sinh bán trú, khăn quàng, ba lô, giày dép... cũng đồng phục, in lô gô của trường. Đã vậy, đồng phục còn thay đổi liên tục, mỗi năm một kiểu khiến phụ huynh khổ sở và gây lãng phí rất lớn. Có trường bắt học sinh mang giày bata, không được đi dép nhựa. Và để thực hiện cho bằng được cái chủ trương đó, thầy giáo buộc phải làm cái việc phản giáo dục là ngồi canh cổng, dao kéo trong tay lăm lăm cắt dép học trò!

Chưa dừng lại đó, chuyện “đồng phục” còn lan sang sách vở, giấy bút. Sách giáo khoa bây giờ in đẹp, bìa sách được vẽ hình, trình bày rất nghệ thuật. Bìa vở học sinh cũng được vẽ hình thật đẹp, lại còn in lồng cả cái nhãn vở vào nữa. Thế mà từ bao năm nay, các trường cứ bắt học sinh phải lấy giấy màu bọc sách, vở theo quy định cho từng môn. Bao nhiêu công sức, tiền bạc đầu tư cho cái bìa sách, bìa vở bỗng trở nên vô nghĩa.

Thật đáng buồn là cho đến bây giờ, cái đẹp vẫn chưa thắng nổi lối tư duy máy móc, xám xịt hiện hình bằng những vỏ bọc màu xanh hay tím ngắt trong một số ít thầy cô giáo. Và buồn hơn nữa là lối tư duy ấy tồn tại trong một số ít thầy cô có thẩm quyền nên đã làm khổ không ít người, từ phụ huynh đến học sinh.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu