Thứ 3, 19/03/2024 11:03:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:33, 17/10/2014 GMT+7

Từ chuyện con cua đồng

Thứ 6, 17/10/2014 | 15:33:00 190 lượt xem

BP - Mấy hôm về quê, cô em gái hỏi chị thích ăn gì để em đi chợ. Cứ nghĩ ở nông thôn thì cua, ốc, ếch rẻ hơn thành thị nên tôi bảo nắng nôi thế này, canh cua cà pháo cho dễ “trôi cơm”. Hôm sau, hôm sau nữa, khi em hỏi tôi lại vẫn “canh cua cà pháo”. Nhưng nồi canh cua những ngày sau đó có vẻ ít gạch hơn. Hỏi sao không mua nhiều cua nấu cho ngon, em thật lòng: nồi canh cua hết 50 ngàn đồng rồi đấy chị. Tôi trố mắt ngạc nhiên. Sao vùng nông thôn mà cua đồng lại đắt thế? Em bảo 100 ngàn đồng một kg. Nhà tám người ăn mà em chỉ dám mua nửa kg. Đắt thế nhưng đi chợ muộn là không còn đâu.

Quê tôi vùng trồng lúa, nhưng bây giờ tất cả những thửa ruộng cặp hai bên các con đường lớn đều đã chuyển thành đất ở, đất dịch vụ nên chẳng còn bao nhiêu ruộng. Những con cua đồng hiếm hoi chưa kịp lớn đã bị người ta bắt đem ra chợ. Ai cũng ngại gà, vịt, heo nuôi bằng cám tăng trọng, dư lượng kháng sinh nhiều nên những sản vật tự nhiên như cua, ốc, tép thành đắt đỏ. Nhưng đắt tới mức 100 ngàn đồng một kg cua đồng thì thật khó tin. Trong khi tại chợ Đồng Xoài, 1 kg cua đồng chỉ 40-50 ngàn đồng. Nếu mua của người bán sỉ chỉ 35 ngàn đồng. Không chỉ thế, con cua đồng ở chợ Đồng Xoài lớn gấp đôi, gấp ba con cua đồng ở quê tôi. Nó khỏe, bán hôm nay không hết để hôm sau vẫn được, còn con cua đồng quê tôi chỉ nửa ngày đã chết hoặc rụng hết chân, càng.

Tại sao ở quê tôi (và nhiều vùng quê phía Bắc) người ta không tổ chức nuôi cua đồng nhỉ? Con cua nó nhạy cảm với thời tiết thì đầu tư quy mô công nghiệp, có các thiết bị ứng phó với thời tiết. Gà đồi, cá ao, rau vườn như hiện nay thì ngon thật, nhưng với tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa các làng quê thì cách làm manh mún như vậy chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu. Khi đó, nông sản trở nên khan hiếm, đắt đỏ là đương nhiên. Còn ở trong Nam, sản xuất nông nghiệp thường là nông trại lớn, nông nghiệp hàng hóa nên giá thành thấp.

Nhưng cái khổ của nông dân miền Bắc không chỉ là thu nhập thấp, giá sinh hoạt cao mà còn là sự bấp bênh của nông sản. Có những lúc chỉ 500 đồng một cây cải bắp, 1.500 đồng 1 kg cà chua. Ở nhiều vùng, su hào, cải bắp, xà lách... phải đổ đống bởi nhà nào cũng trồng rau, thậm chí trồng 1 loại rau và đồng loạt thu hoạch cùng thời điểm. Nếu tổ chức sản xuất quy mô lớn, hình thành các hợp tác xã trồng rau rồi liên hệ với các siêu thị, chợ bán sỉ, các nhà máy chế biến... thì sẽ không có chuyện nông sản phải đổ đống!

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013, Việt Nam phải chi tới 500 triệu đô la để nhập khẩu các loại hạt giống rau, trong đó rất nhiều loại hạt giống như củ cải, cà chua, dưa chuột, cải bắp, su hào... chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất. Thật khó tin, một đất nước có tới 70% số dân làm nghề nông mà từ giống rau, giống lúa, heo, gà... đều phải nhập. Thậm chí đũa tre, tăm xỉa răng cũng nhập. Có người nói ta mất nhiều triệu đô la nhập khẩu hạt giống rau là bởi cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn các nhà đầu tư vào cuộc, vì ngành sản xuất hạt giống đòi hỏi công nghệ cao và chi phí ban đầu lớn. Thế nên các doanh nghiệp chỉ làm ăn theo kiểu “mèo nhỏ bắt chuột con”. Và điều này là vô cùng nguy hiểm đối với một quốc gia nông nghiệp.                                  

T.N

  • Từ khóa
108395

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu