Thứ 7, 20/04/2024 05:32:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:34, 20/09/2018 GMT+7

Từ chối tình vua

Thứ 5, 20/09/2018 | 08:34:00 1,263 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Lê Thánh Tông sinh ngày 25-8-1442. Ông là hoàng đế thứ 5 của triều Lê và trị vì từ tháng 6-1460 đến tháng 3-1497, tổng cộng 38 năm. Ông là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời hậu Lê - giai đoạn Lê sơ trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, ông là con thứ 4 của vua Lê Thái Tông.

Cuối năm 1442, Thái tử Lê Bang Cơ lên ngôi (tức Lê Nhân Tông), phong Tư Thành làm Bình Nguyên vương. Năm 1459, người con cả của Thái Tông là Lê Nghi Dân giết vua Lê Nhân Tông và cướp ngôi. Nhưng Lê Nghi Dân chỉ ở ngôi được 6 tháng. Ngày 6-6-1460, các tể phụ Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm làm binh biến, bức tử Nghi Dân. 2 ngày sau, họ thấy Tư Thành có năng lực nên bàn nhau lập ông làm vua. Lê Thánh Tông lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Thuận, sau đổi thành Hồng Đức.

Minh họa: S.H

Trong 38 năm trị quốc, Lê Thánh Tông đã ban bố rất nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, giáo dục, luật pháp, kinh tế, xã hội, khiến Đại Việt trở thành một quốc gia ổn định và vận hành theo Tân Nho giáo. Thánh Tông còn cải tổ quân đội, trực tiếp chỉ huy các cuộc bành trướng về phía Nam và Tây, mà cụ thể cuộc xâm chiếm Chiêm Thành năm 1471, Lào và Bồn Man năm 1478. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” - bộ quốc sử được khởi soạn từ chính thời ông và hoàn tất vào thời Lê trung hưng. Từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ lãnh thổ Đại Việt và bộ Hồng Đức bản đồ được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, đã bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các thành tựu về nội trị và đối ngoại của Thánh Tông đã giúp Đại Việt quật khởi thành một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có lời nhận định của sử gia Nho thần đời sau về ông như sau: “Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được...”. Tuy nhiên, các nhà biên soạn quốc sử phê phán ông vì xây dựng nhiều công trình, cung điện vượt quá quy mô xưa, lại khắc bạc với anh em và “nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng” dẫn đến cái chết ở tuổi 56.

Chuyện vua Lê Thánh Tông vì quá si mê tài sắc của một ni cô mà ép người này vào cung làm phi tần đã được ghi lại trong sử sách cũ. Chuyện xưa kể lại rằng, một lần ghé thăm chùa Ngọc Hồ - ngôi chùa có phong cảnh cực u nhã ở gần Quốc Tử Giám. Khi vừa bước vào sân chùa, vua Lê Thánh Tông chợt sững sờ khi nghe thấy có tiếng người tụng kinh, giọng trong trẻo diệu kỳ như vút lên tận tầng mây. Đến gần, trái tim vua như bị sét đánh khi thấy người đang tụng là một ni cô đẹp như tiên nữ giáng trần.

Ni cô quay lại, thấy đôi mắt nhà vua nhìn mình đăm đắm, liền lấy bút đề vào vách chùa hai câu thơ Nôm với nét chữ lả lướt: “Tới đây mến cảnh mến thầy/Tuy vui đạo Bụt, chưa khuây lòng trần”. Câu thơ nói đúng tâm trạng càng làm Lê Thánh Tông ngơ ngẩn. Vua liền sai các quan hầu cận làm thơ vịnh để ghi nhớ buổi kỳ ngộ. Một trong số quan trong triều đi theo đã viết: “Ngẫm sự trần duyên khéo cực cười/Sắc không, tuy Bụt, ấy lòng người/Chày kình một tiếng tan niềm tục/Hồn bướm ba canh lẩn sự đời/Bể ái nghìn tầm mong tát cạn/Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi/Nào nào cực lạc là đâu tá?/Cực lạc là đây chín rõ mười”.

Ni cô đáp lại ngay: “Hai câu thực và luận còn thiếu ý lại chưa thanh, nên sửa là: Gió thông đưa kệ tan niềm tục/Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”. Vua Lê Thánh Tông thật sự cảm phục trước trí tuệ và sự thanh khiết của ni cô, một mực mời ni cô lên xa giá về cung để lập làm phi. Khó có thể từ chối vua, ni cô đành thuận theo. Nhưng lạ thay, khi đến cửa thành thì mọi người nhận ra ni cô đã biến mất khỏi xa giá như một làn gió.Vua Lê Thánh Tông tin chắc ni cô là một tiên nữ giáng trần. Lòng đầy tiếc nuối mãi, vua truyền lệnh cho xây lầu Vọng tiên ở ngay đó để kỷ niệm và cũng để ngóng trông một ngày tái ngộ với người con gái tài sắc và bí ẩn...

Lời bàn:

Nhìn lại lịch sử phong kiến Việt Nam, trong tất cả các vị hoàng đế, có lẽ hoàng đế Lê Thánh Tông là nhà lãnh đạo giỏi nội trị nhất. Và điều giỏi nhất của Lê Thánh Tông là tạo nên một rường cột về bộ máy hoàn chỉnh cho nước Đại Việt thời ấy, khiến các quốc gia lân bang dù lớn mạnh nhưng cũng không dám dòm ngó. Chính điều này đã khẳng định rằng, một thời đại Hồng Đức rực rỡ trong lịch sử phong kiến ở nước ta sẽ không bao giờ có nếu như không xuất hiện đấng đại minh quân như Lê Thánh Tông. Nhưng có được vua sáng là nhờ những bậc tôi hiền vì đại nghĩa dựng lên và đổi lại, vua sáng biết trọng dụng những bậc tôi hiền để cùng dựng nghiệp lớn.

Tuy vậy, vua Lê Thánh Tông cũng là một trong số ít những vị vua có nhiều giai thoại về tình ái. Và điều này âu cũng là dễ hiểu, bởi từ ngàn xưa trong dân gian đã có câu “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Nhưng ở đời không phải ai cũng muốn làm “mẫu nghi thiên hạ”, “đệ nhất phu nhân” và ni cô trong giai thoại nêu trên là một minh chứng. Tiếc thay, hậu thế thời nay chẳng có mấy “chân dài” nào học và làm theo được một góc nhỏ công, dung, ngôn, hạnh của người xưa. Bởi thế mới có chuyện hoa hậu và đại gia cùng hầu tòa, hay người đẹp bán “cái ngàn vàng” để lấy 25 ngàn USD, thật đáng buồn thay cho những bậc sinh thành, vì vinh nhờ con chưa thấy, mà chỉ thấy nhục không để đâu cho hết.

N.D

  • Từ khóa
110093

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu