Thứ 7, 20/04/2024 12:35:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:14, 19/06/2018 GMT+7

Từ câu chuyện ở ấp Núi Gió

Thứ 3, 19/06/2018 | 08:14:00 2,220 lượt xem

BP - Đã 2 năm qua, ấp Núi Gió, xã Tân Lợi (Hớn Quản) từ chối sự trợ giúp của xã trong việc hỗ trợ người nghèo ăn tết. Đa số các hoạt động thăm, tặng quà tết người nghèo, chi bộ, các tổ chức hội, đoàn thể và ban điều hành ấp đều đứng ra vận động nhà hảo tâm hoặc trực tiếp đóng góp để chăm lo hộ nghèo trong ấp. Nội dung này chỉ chiếm một dung lượng chữ rất khiêm tốn trong bài báo dài hơn 1.000 từ do cộng tác viên gửi tới Tòa soạn. Nếu chỉ đọc lướt qua, nội dung này sẽ trượt đi rất nhanh. Nhưng nếu đọc chậm, nghĩ kỹ một chút sẽ thấy việc làm của cán bộ, đảng viên và người dân ấp Núi Gió thật lớn và thật ý nghĩa.

Chỉ thị 03 nay là Chỉ thị số 05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện từ nhiều năm qua và đã mang lại hiệu ứng rất tích cực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, vẫn có những địa phương, đơn vị triển khai thực hiện qua loa, hình thức và không mang lại hiệu quả thiết thực. Ở ấp Núi Gió thì khác. Chuyện người dân trong ấp đóng góp làm 7 tuyến đường bê tông trong 2 năm với kinh phí vận động 1,2 tỷ đồng và 300 ngày công thì nhiều thôn, ấp, khu phố khác trong tỉnh đã làm. Chuyện người dân đóng góp xây nhà văn hóa hay tự nguyện chặt bỏ cây trồng, phá dỡ công trình và hiến đất làm đường, kéo điện cũng đã nhiều thôn, ấp làm. Nhưng còn việc từ chối không nhận quà tết cho người nghèo từ cấp trên chuyển về mà tự chi bộ, các tổ chức, đoàn thể và ban điều hành ấp đi vận động, đóng góp thì chưa thấy thôn, ấp nào làm được. Không phải là tất cả, nhưng với một số không ít người, lòng tham là vô hạn. Năm ngoái, báo chí đưa tin vợ Phó bí thư Đảng ủy xã Hòa Thành (TP. Cà Mau) chuyển hộ khẩu sang ấp khác, làm “con” một gia đình không họ hàng gì chỉ để... hưởng chế độ hộ cận nghèo. Rồi năm 2015, chuyện 12 con dê của người nghèo bỗng dưng “đi lạc” vào trang trại của ông Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa) đã trở thành chuyện “cười ra nước mắt”, là đề tài châm biếm sống động cho rất nhiều tờ báo. Và còn rất nhiều câu chuyện khác về lòng tham của con người.

Tâm lý chung là cấp dưới thường kêu cấp trên “xin” đầu tư, hỗ trợ. Và đôi khi cái sự “kêu” ấy quá mức cần thiết với tinh thần “con khóc mẹ mới cho bú”. Rồi tâm lý “dùng của chùa” khiến không chỉ một số cá nhân mà cả một vài tổ chức, địa phương cũng tìm mọi cách để cấp trên đầu tư cho mình nhiều hơn. Vì thế mới có tình trạng trụ sở còn sử dụng tốt vẫn xin được đầu tư mới. Ở nhiều cơ quan, không khó để bắt gặp cảnh nhân viên ngồi chơi điện tử, buôn dưa lê, hết giờ làm không tắt điều hòa, máy tính. Trong lĩnh vực xây dựng, tình trạng lãng phí càng phổ biến hơn. Nhiều khu công nghiệp lấy đất với diện tích lớn nhưng lại bỏ trống nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực và gây bức xúc cho người dân. Nhiều cơ quan, đơn vị xin cấp kinh phí xây dựng trụ sở rộng thênh thang nhưng sử dụng không hết. Hẳn nhiều người còn nhớ năm 2015, tỉnh Nghệ An vừa xây trụ sở UBND tỉnh 11 tầng đã lại lên kế hoạch xây dựng khu cao ốc làm trung tâm hành chính. Gần đây nhất, tỉnh nghèo Hà Giang đề xuất xây trụ sở hành chính hơn 1.000 tỷ đồng nhưng đã bị Bộ Kế hoạch - Đầu tư bác.

Có thể số phần quà và giá trị mỗi phần quà mà trước đây xã Tân Lợi điều tiết về cho ấp Núi Gió không lớn so với số tiền mà người dân trong ấp đã đóng góp thực hiện các công trình dân sinh. Cái lớn là họ đã vượt qua lòng tham, vượt qua sự ỷ lại, vượt qua con đường mà cấp trên đã mở sẵn để tự khai phá lấy con đường mới. Đó mới là ý nghĩa lớn lao của câu chuyện ở ấp Núi Gió.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu