Thứ 5, 18/04/2024 20:13:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:53, 12/11/2015 GMT+7

GÓP Ý BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ SỬA ĐỔI:

Tự bào chữa là quyền cơ bản của công dân

Thứ 5, 12/11/2015 | 10:53:00 1,430 lượt xem

BP - Tại Khoản 1, Điều 6 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi (Dự thảo Online) là những quy định về việc phát hiện và khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội, với nội dung như sau: Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì nội dung của khoản này là chưa ổn, chưa phù hợp với các điều khoản có liên quan trong dự thảo bộ luật này. Vì vậy, tôi đề xuất sửa Khoản 1, Điều 6 như sau: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 1 Điều 34 và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Khoản 1, Điều 35 của dự thảo bộ luật này. Vì nếu sửa như trên sẽ tạo sự thống nhất với nội dung cách viết, cũng như nội dung ở Khoản 2 của Điều 6. Vì Khoản 2, Điều 6 viết như sau: Cơ quan, tổ chức hữu quan phải thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Chậm nhất trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời việc thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bằng văn bản.

Điều 16 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi (Dự thảo Online) là những quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, với nội dung như sau: Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện đầy đủ quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, hiện nay nước ta đang trong tiến trình cải cách tư pháp, vậy nên cần quy định chỉ luật sư mới có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa mà không nên quy định có nhiều đối tượng khác nhau để tránh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tố tụng. Nếu vì lý do thù lao cho luật sư thì người bị buộc tội có quyền yêu cầu luật sư chỉ định. Và những người có đồng quan điểm với ý kiến này cho rằng, quy định chỉ có luật sư mới có quyền bào chữa là giải pháp tiến tới cải cách tư pháp một cách toàn diện, đồng thời hướng đến xã hội văn minh là mỗi công dân đều có luật sư riêng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Như vậy xã hội mới đi đến công bằng, dân chủ và văn minh.

Về ý kiến của cá nhân, tôi không đồng tình với những ý kiến nêu trên vì các lý do sau đây: Thứ nhất, tại Khoản 4, Điều 31 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Như vậy, Hiến pháp đã khẳng định rõ người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa. Vì vậy, nếu quy định chỉ có luật sư mới có quyền bào chữa là vi phạm Hiến pháp. Thứ hai, cũng theo Hiến pháp năm 2013, cụ thể tại Khoản 1, Điều 16 có quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mà tự bào chữa cũng là quyền cơ bản của mỗi công dân và không ai được phép tước bỏ quyền này. Hơn nữa, pháp luật cho phép trong quá trình tố tụng được phép áp dụng nguyên tắc suy đoán nên ai cũng được xem là người có hiểu biết pháp luật, chứ không phải chỉ có luật sư là có hiểu biết pháp luật. Vì thế, người bị buộc tội có quyền “không nhờ luật sư bào chữa cho mình” mà tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác. Vì thế, tôi đề nghị giữ nguyên Điều 16 của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Bên cạnh đó, nếu Điều 16 được giữ nguyên như dự thảo sẽ tránh được tình trạng luật sư độc quyền trong bào chữa và độc quyền trong việc quy định tiền thù lao bào chữa.

N.V

  • Từ khóa
14364

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu