Thứ 4, 24/04/2024 17:25:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 01:30, 22/01/2019 GMT+7

Truyền thống văn hóa biển Việt Nam

Thứ 3, 22/01/2019 | 01:30:00 2,996 lượt xem

BP - Với 3.260km đường bờ biển và khoảng 1 triệu km2 vùng biển có chủ quyền, từ ngàn xưa dân tộc ta đã tạo nên những dấu ấn văn hóa biển đặc trưng. Truyền thống văn hóa biển Việt Nam đa dạng và phong phú với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: “...Chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, coi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng văn hóa biển...”.

VĂN HÓA BIỂN VỀ VẬT CHẤT

Theo định nghĩa của các nhà nghiên cứu thì văn hóa biển là “hệ thống hóa các giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại, lấy biển cả làm nguồn sống chính... Văn hóa biển phải thỏa mãn các yếu tố đặc trưng có tính hệ thống về giá trị nhân văn, tính lịch sử, không gian, môi trường”. Ở Việt Nam, văn hóa biển đã có từ hàng ngàn năm, người dân cật lực mưu sinh, cuộc sống gắn với biển và cũng mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển. Những nét văn hóa đó thể hiện trong nghề đi biển, giao thương biển, tổ chức xã hội, lễ hội, tập tục, truyền thống chống ngoại xâm của cư dân ven biển... Trong quan hệ cộng sinh với biển, từ xưa người Việt đã có kỹ thuật làm muối từ nước biển rất độc đáo, đồng thời học cách chưng cất nước mắm từ cá biển. Nước mắm chính là cách làm chín cá không qua lửa và tạo nên các sản phẩm vô cùng phong phú, đặc sắc. Từ đó nước mắm đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong sinh hoạt ẩm thực của cả dân tộc đến ngày nay. Bên cạnh đó, người Việt cũng đã tiếp thu kỹ thuật sử dụng và đóng ghe bầu lớn của người Chăm để vươn ra khơi đánh cá.

Người dân cầu nguyện ở Lăng Ông Nam Hải, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: S.H

Thế kỷ XVIII, các triều đại nhà Nguyễn đã chú ý đến đóng thuyền bè với trình độ khá cao, được các nước lân bang đương thời khen ngợi. Công nghệ đóng tàu biển hiện nay của Việt Nam là kế thừa kỹ thuật truyền thống, kết hợp với công nghệ hiện đại, thu hút sự quan tâm của các thương nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam, do chúa Nguyễn quản lý. Các chúa Nguyễn đã thành lập đội Hoàng Sa, dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa), không chỉ khai thác nguồn lợi hải sản mà còn đo đạc địa vực, hải trình, xác lập chủ quyền quốc gia trên những vùng biển đảo xa xôi, hiểm trở và kiểm soát các tàu biển qua lại khu vực này. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, người Việt đã dựa vào biển, khai thác đường biển, phục vụ kháng chiến. Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển với những đoàn tàu không số chở quân lương và vũ khí cung cấp cho miền Nam làm nên kỳ tích trong cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước là minh chứng tiêu biểu cho nền văn hóa biển thời kỳ hiện đại.

VĂN HÓA BIỂN VỀ TINH THẦN

Lịch sử văn hóa biển phi vật thể của người Việt cổ được ghi dấu, lưu giữ trong các tư liệu sinh hoạt và lễ hội độc đáo của bà con ngư dân khắp đất nước. Những sinh hoạt và lễ hội thể hiện tín ngưỡng của người Việt như: Thờ các vị thần biển, cầu mong sự yên ổn, làm ăn an lành, thuận lợi; thể hiện ở tục thờ cúng, cầu long vương, thủy thần. Tiêu biểu nhất là tục thờ cá voi phổ biến trong cộng đồng cư dân ven biển từ Thanh Hóa đến Kiên Giang. Các triều đại trước đây, nhất là triều đại nhà Nguyễn đều có sắc phong cho các vị cá voi trong những đền thờ; công nhận các vị là linh thần đã có công phù hộ độ trì cho ngư dân và có công với nước. Các lễ hội thể hiện tâm thức cầu an của người dân miền biển như lễ xông mũi thuyền ở làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh), lễ hội cầu ngư, lễ hội Nghinh Ông của ngư dân ven biển miền Trung và Nam bộ... Tất cả lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu gửi gắm niềm tin, mong sóng yên biển lặng, mùa đánh cá bội thu; góp phần điều tiết đời sống tinh thần của cộng đồng ngư dân. Ngày nay, dọc vùng biển đất nước, các hoạt động văn hóa biển hằng năm vẫn tiếp tục được tổ chức long trọng nhằm khơi dậy lòng tự hào, ý thức chủ quyền quốc gia dân tộc. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố giáp biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Đây là những địa phương, với hàng chục triệu người đang trực tiếp gìn giữ, phát huy nền văn hóa biển mà cha ông để lại.

Thế kỷ XXI được cho là thế kỷ của đại dương. Do đó, các quốc gia đều hướng về biển để khai thác nguồn lợi và mở rộng quan hệ thông qua đường biển. Việt Nam đã và đang phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trong đó yếu tố văn hóa biển đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Phát huy những nét ưu việt của văn hóa biển truyền thống, kết hợp với hiện đại là việc làm cần thiết khi chúng ta là chủ nhân của biển và đại dương trong công cuộc “vươn ra biển lớn”, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền trên vùng biển và hải đảo của Tổ quốc. (*)

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo bộ sách “Văn hóa biển đảo Việt Nam” do Vũ Quang Dũng tuyển chọn

  • Từ khóa
111366

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu